Đồng Nai giúp thanh niên xuất ngũ ổn định cuộc sống

Ngày 24-8, tại Hội trường Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì buổi gặp gỡ, đối thoại với thanh niên xuất ngũ trở về địa phương năm 2024.

Mong muốn có công việc phù hợp

Theo anh Hoàng Thanh Ngân (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ), hàng năm sau khi xuất ngũ, thanh niên được các trường giới thiệu và đào tạo nghề nhưng ngành nghề chưa đa dạng. Anh đề xuất, các trường dạy nghề cần liên kết với các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng để đào tạo nghề phù hợp với thị trường hiện nay.

Còn anh Trần Huỳnh Hoài Duy (xã Long An, huyện Long Thành) cho biết, thẻ học nghề vướng quy định có hiệu lực chỉ trong 1 năm nên đề nghị gia hạn thêm thời gian sử dụng thẻ học nghề.

Một số ý kiến cũng cho rằng, cấp thẻ học nghề chỉ dùng cho đào tạo nghề ở trình độ sơ cấp, nên cần mở rộng cho nhiều trình độ khác nhau, tạo động lực cho thanh niên tham gia học nghề khi xuất ngũ.

IMG_1257.JPG
Ý kiến của thanh niên tại buổi đối thoại

Đại diện UBND phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, nêu ý kiến: Tiền hỗ trợ học nghề chưa tương xứng với kinh phí đào tạo nghề hiện nay, ví dụ: Các cơ sở dạy nghề lái xe khi tiếp nhận hồ sơ học nghề đều thu thêm các khoản phí chênh lệch từ 7.000.000 đồng trở lên tùy từng cơ sở. Hồ sơ thanh quyết toán tiền dạy nghề ở các trung tâm dạy nghề còn chậm trễ, chưa kịp thời, có thời điểm, các cơ sở trung tâm dạy nghề trên địa bàn thành phố và tỉnh không tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký học nghề của thanh niên xuất ngũ. Do đó, sở ngành, liên đoàn lao động cấp tỉnh, huyện, thành phố, các trung tâm dạy nghề cần liên kết với các doanh nghiệp để tiếp nhận, hỗ trợ thanh niên xuất ngũ trong tìm kiếm công việc phù hợp, có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Số liệu của Ban Dân vận Tỉnh uỷ Đồng Nai cho thấy, thanh niên xuất ngũ trở về địa phương từ năm 2020 đến nay tại Đồng Nai là 13.355 người, trong đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 3.114 thanh niên xuất ngũ (chủ yếu là nghề đào tạo lái xe hạng B, hạng C, hàn…) với tổng kinh phí hơn 37,6 tỷ đồng; để thanh niên xuất ngũ tự định hướng nghề nghiệp, sớm ổn định cuộc sống.

Hiện việc thực hiện các chế độ, chính sách về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm còn gặp nhiều khó khăn, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, nguồn ngân sách, quy định về thủ tục thanh quyết toán thẻ học nghề có thay đổi. Việc bố trí, sắp xếp việc làm khó khăn, chính sách ưu tiên, hỗ trợ vay vốn còn nhiều hạn chế do nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp và một số địa phương thuần nông, ít công ty, xí nghiệp nên không đáp ứng được nhu cầu việc làm cho người lao động.

Đảm bảo các chế độ sau khi xuất ngũ

Tại buổi đối thoại, các đại biểu cũng được nghe nhiều ý ở các lĩnh vực khác, như: Đề nghị Bảo hiểm y tế giải quyết cho được đóng và hưởng quyền lợi 05 năm liên tục sau khi kết thúc hưởng Bảo hiểm y tế thân nhân của quân nhân tại ngũ; sở ngành, địa phương hướng dẫn và tạo điều kiện hỗ trợ cho vay vốn để làm ăn và phát triển kinh tế hộ gia đình, khi chưa xin được việc làm ổn định sau khi xuất ngũ về địa phương…

z5762829762625_46d08cb207fea8d31b6ad90a7e5bab9c.jpg
Toàn cảnh buổi đối thoại

Trong đó, anh Nguyễn Thành Trung (khu phố 2, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) đề nghị lãnh đạo địa phương cần quan tâm và có những chính sách cụ thể hơn nữa trong việc sử dụng những đồng chí đảng viên, những người có trình độ cao đẳng, đại học sau khi xuất ngũ. Còn đại diện phường Tân Mai (TP Biên Hòa) đề xuất, đảng viên khi đi làm ăn xa thì chi bộ lập thủ tục cho miễn sinh hoạt, miễn công tác theo Quy định của Điều lệ Đảng để hạn chế thấp nhất những trường hợp tự ý bỏ sinh hoạt Đảng hoặc làm đơn xin ra khỏi Đảng.

Bí thư .jpg
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu tại buổi đối thoại

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, việc thực hiện các chế độ, chính sách về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, thị trường lao động, tạo điều kiện sinh hoạt Đảng cho thanh niên xuất ngũ rất quan trọng và đề nghị Đảng ủy Quân sự tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội, địa phương khảo sát, nắm nhu cầu, nguyện vọng về học nghề, việc làm của các quân nhân ngay khi còn tại ngũ để có cơ sở bố trí công tác, đào tạo nghề phù hợp, nhất là đảng viên xuất ngũ có cuộc sống ổn định.

Bí thư Tỉnh uỷ giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, đề xuất giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện trong đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề phù hợp với nguyện vọng, mong muốn của thanh niên xuất ngũ, bảo đảm bám sát yêu cầu thực tiễn của tỉnh, đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tin cùng chuyên mục