Trong đó, ghi nhận 1.313 ca mắc trong cộng đồng (tăng 12,7%); 1.718 ca mắc trong khu phong tỏa (tăng 132,2%). Trong 7 ngày qua, tỉnh cũng ghi nhận 3.804 trường hợp được điều trị khỏi và 28 trường hợp tử vong. Tổng số ca mắc trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27-4 đến nay trên địa bàn tỉnh là 73.156 ca. Các địa bàn trong tỉnh ghi nhận nhiều ca mắc nhất bao gồm: TP Biên Hòa 30.126 ca, huyện Nhơn Trạch 16.765 ca, huyện Vĩnh Cửu 12.315 ca và huyện Trảng Bom 7.347 ca.
Theo Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai, trong tuần, các ca mắc trong cộng động có xu hướng tăng mạnh với trung bình 187 ca/ngày so với giai đoạn giãn cách thực hiện Chỉ thị 15 là khoảng 5-10 ca/ngày. Các ổ dịch cộng đồng có nguồn lây đa phần liên quan đến các doanh nghiệp sản xuất và người về từ vùng có dịch, tạo thành nhiều ổ dịch lây nhiễm thứ phát rải rác trong cộng đồng. Dự kiến sẽ tiếp tục ghi nhận ca mắc trong cộng đồng trong thời gian tới, nguồn lây chủ yếu ở các địa điểm có nguy cơ lây lan cao như chợ dân sinh, siêu thị, cơ sở sản xuất, khu nhà trọ. Tuy nhiên với tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và diễn biến nặng của bệnh. Nhóm đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi cũng đã bắt đầu được triển khai tiêm ngừa để tạo sự bảo vệ tốt nhất trước khi đến trường học tập trung trở lại.
Về cấp độ dịch của tỉnh Đồng Nai không tăng so với tuần trước, tuy nhiên xuất hiện 1 huyện cấp độ 3, các xã/phường cấp 3 cũng tăng 11, cấp 2 tăng 16. Cụ thể: tỉnh Đồng Nai: cấp độ 2 nguy cơ trung bình; huyện/thành phố: không có vùng cấp độ 4, 1 vùng cấp độ 3 (Vĩnh Cửu), 8 vùng cấp độ 2 (Biên Hòa, Trảng Bom, Thống Nhất, Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Tân Phú, Cẩm Mỹ), 2 vùng cấp độ 1 (Định Quán, Long Khánh); xã/phường: không có vùng cấp độ 4, 22 vùng cấp độ 3, 74 vùng cấp độ 2 và 74 vùng cấp độ 1.
Hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Đồng Nai còn gặp một số khó khăn tồn tại, đó là số ca mắc trên địa bàn tỉnh đang tăng mạnh trở lại, trong khi đó nhân lực chuyên môn ngành y tế trong tỉnh có hạn, cán bộ y tế ngoài tỉnh đến hỗ trợ hầu hết đã kết thúc thời gian hỗ trợ tại tỉnh Đồng Nai. Công tác tiêm chủng còn chậm do thiếu nhân lực và phải triển khai tiêm chủng đồng thời 2 nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên và từ 12 đến dưới 18 tuổi. Các ứng dụng công nghệ thông tin bước đầu đã áp dụng và có kết quả tích cực nhưng vẫn chưa đồng bộ.