Dịch bệnh bùng phát
Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai ghi nhận có hơn 4.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, hơn 6.100 ca mắc tay chân miệng và hiện là địa phương có số ca mắc bệnh sởi lớn nhất trong số các tỉnh, thành phía Nam với 137 ca. Các địa phương có tỉ lệ người mắc bệnh cao đó là huyện Nhơn Trạch, TP Biên Hòa, huyện Long Thành, huyện Định Quán và huyện Vĩnh Cửu; trong đó tình hình dịch bệnh tại huyện Nhơn Trạch đang gia tăng trong mấy tháng gần đây do đang là mùa mưa, địa phương có nhiều ao tù, vũng nước đọng tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sản; số ca mắc bệnh chủ yếu tập trung ở các xã có mật độ dân cư cao như: Phước Thiền, Hiệp Phước, Long Thọ.
Cụ thể, tính đến giữa 9-2018, tổng số ca mắc sốt xuất huyết trên toàn huyện Nhơn Trạch được xác định là 273 ca, tổng số ca mắc bệnh tay chân miệng 315 ca và bệnh sởi 34 trường hợp, ho gà 6 trường hợp và các dịch bệnh khác (thủy đậu, quai bị, bệnh do liên cầu lợn, viêm gan vi rút, viêm não vi rút…). Theo một lãnh đạo trung tâm y tế huyện: “Các loại rác thải như: vỏ xe, hộp xốp, vỏ dừa, vật dụng chứa nước cho gia súc gia cầm,…là nơi lý tưởng cho muỗi đẻ trứng. Tuy lực lượng y tế có phun thuốc nhưng thuốc chỉ diệt được muỗi chứ không diệt được lăng quăng và chỉ có thể phun vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối vì trời nắng có thể làm mất tác dụng của thuốc”. Trong 9 tháng đầu năm 2018, huyện đã xử lý 87 ổ dịch sốt xuất huyết, tổ chức phun hóa chất diện rộng tại 2 xã Hiệp Phước và Phước Thiền; tăng cường tuyên truyền đến từng hộ dân, công ty, xí nghiệp về cách phòng, chống dịch bệnh, triển khai kế hoạch diệt lăng quăng làm thay đổi nhận thức của người dân và tạo thói quen vệ sinh nơi ở, môi trường xung quanh.
Bệnh viện quá tải
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho thấy, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 1.600 ca mắc tay chân miệng, gần 900 ca sốt xuất huyết. Chỉ trong tháng 9 có hơn 500 ca tay chân miệng (chiếm 32%) và gần 300 ca mắc sốt xuất huyết (chiếm 28%). Bệnh viện cũng ghi nhận 25 trường hợp mắc sởi nhập viện điều trị (trong khi đó ở năm 2017 không có ca nào) riêng trong tháng 9 có 22 ca. Đối tượng mắc sởi chủ yếu là trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến độ tuổi tiêm vaccine phòng sởi) và trẻ chưa được tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi. Bệnh viện đã tổ chức khám, cấp cứu, thiết lập khu vực điều trị cách ly nhằm phòng chống lây nhiễm chéo đối với các bệnh nhi nhập viện.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, quyền Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, trong tháng 9, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 60-70 ca, số ca nội trú cũng tăng lên 130-140 ca. Có thời điểm tiếp nhận đến 150 ca, tăng gấp đôi so với trước đây (mỗi ngày chỉ có từ 10-20 ca nhập viện, nội trú khoảng 60-70 ca). “Do khoa chỉ có 100 giường bệnh nên khoa phải kê thêm giường tại hành lang, phòng tiếp nhận bệnh nhân; tăng cường máy móc, trang thiết bị và điều động y, bác sĩ không có ca trực cũng phải vào làm việc, liên tục để phục vụ bệnh nhân kịp thời”, bác sĩ Quyền cho biết.
Không chỉ khoa Bệnh nhiệt đới xảy ra tình trạng quá tải mà tại khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng gặp tình trạng tương tự. Không chỉ thiếu giường bệnh, khoa còn gặp tình trạng thiếu nhân sự; các bác sĩ phải làm việc không ngừng nghỉ nhưng vẫn thiếu, nhiều lần khoa xin bố trí thêm người nhưng do bệnh viện đều quá tải nên rất khó điều động thêm.
Ông Bạch Thái Bình - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Nai, cho biết thêm, hiện nay đang là đỉnh của mùa dịch bệnh nên số bệnh nhi nhập viện tăng cao, bệnh diễn tiến nhanh, phức tạp nên ngoài việc tập trung điều trị cho bệnh nhi đã mắc bệnh thì vẫn phải chú trọng công tác phòng bệnh.
Cụ thể, đối với bệnh sởi sẽ tiến hành tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi chưa tiêm hoặc chưa rõ lịch tiêm; với trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi, đang xin ý kiến thí điểm tiêm sởi cho trẻ từ 6-9 tháng tuổi. Đối với bệnh tay chân miệng, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và chưa có vaccine phòng bệnh thì biện pháp phòng tránh chủ yếu vẫn là nhanh chóng phát hiện, xử lý ổ bệnh trong vòng 2 ngày đầu.