Theo phương án 1, Nhà nước bỏ kinh phí thuê các đơn vị có kinh nghiệm, năng lực thực hiện di dời biệt thự cổ, phần đất phía sau chiều sâu 6m phải thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng của hộ dân. Phương án 2 là nắn tuyến đường ven sông với chiều dài 200m, và phạm vi diện tích đất dôi dư do nắn tuyến đường ra phía ngoài bờ sông sẽ tổ chức làm đất công viên, bãi xe. Phương án 3 là quy hoạch lại cảnh quan tôn tạo biệt thự cổ thành quảng trường gốm sứ (với điều kiện Nhà nước trưng dụng toàn bộ biệt thự cổ), và tuyến đường ven sông qua khu vực sẽ có 2 nhánh (nhánh dịch ra phía bờ sông Đồng Nai, nhánh bọc về phía phải ngôi biệt thự cổ), tạo thành khuôn viên trung tâm làm bảo tàng gốm sứ. Phương án 4, giao thông khác mức, kết hợp đảo hoa viên bao quanh biệt thự, phía bờ sông đảm bảo bố trí công viên, 2 đường dẫn rộng 7m tiếp cận đảo hoa viên và tại vị trí 0.00 tổ chức đảo hoa viên, bố trí xung quanh biệt thự cổ hình thành bảo tàng gốm sứ.
Cùng ngày, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đề nghị UBND TP Biên Hòa, Ban Quản lý dự án TP Biên Hòa chỉ đạo các đơn vị có liên quan tạm ngưng thi công đối với đoạn tuyến đi qua khu vực biệt thự cổ, giữ nguyên trạng và tổ chức bố trí rào giới hạn ra vào khu vực trên nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và an toàn lao động cho đến khi có chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai.
Trước đó, Báo SGGP có bài viết “Công trình kiến trúc, di tích văn hóa - lịch sử ở Đồng Nai: Làm gì để bảo tồn, phát huy giá trị?”, phản ánh trên địa bàn TP Biên Hòa có nhiều công trình kiến trúc - văn hóa - lịch sử (trong đó có biệt thự cổ Võ Hà Thanh) đã được công nhận di tích quốc gia nhưng trước áp lực đô thị hóa, nhiều di tích đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí tài nguyên văn hóa - du lịch nên rất cần được đầu tư, tu bổ để phát huy giá trị của di tích, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch.