* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, công tác cải tiến nâng chất lượng dịch vụ vận chuyển đường sắt chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đã triển khai tới đâu?
- Ông VŨ ANH MINH: Dự kiến ngày 1-10, ngành đường sắt triển khai bán vé tàu tết với các hình thức bán qua mạng, qua đại lý và bán tại ga; tăng thêm các hình thức thanh toán (ví điện tử, ngân hàng điện tử, giao vé trực tiếp…) để tạo sự thuận tiện cho hành khách. Tại các ga lớn đã lắp cổng soát vé điện tử.
Đồng thời, nhân viên trên tàu có thiết bị kiểm soát vé cầm tay nhằm kiểm tra chéo, để không còn tình trạng sử dụng vé giả, vé “chợ đen”. Hiện nay, công ty đang đóng mới 30 toa xe khách, dự kiến sẽ đưa 15 toa xe để phục vụ dịp tết sắp tới.
* Còn công tác kiểm tra hạ tầng nhằm đảm bảo an toàn giao thông như thế nào thưa ông?
- Vận tải đường sắt có 3 yếu tố quan trọng: chất lượng dịch vụ, phương tiện và hạ tầng. Về chất lượng dịch vụ và phương tiện, công ty đang đóng toa tàu mới, nhằm giảm sự lắc sốc trong khi di chuyển, đồng thời nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh trên tàu khang trang, sạch sẽ. Chúng tôi cũng điều chỉnh thời gian chạy tàu cho phù hợp và tăng thêm các chuyến có cự ly ngắn để phục vụ tết.
Từ nay đến năm 2025, chúng tôi thực hiện lộ trình điều chỉnh, xóa bỏ lối đi tự mở, bằng cách làm đường gom, lắp cần rào chắn và giao trách nhiệm cho địa phương quản lý, không để xảy ra lấn chiếm mới. Theo kế hoạch, năm 2018 lắp 100 cái, phấn đấu đến năm 2020 sẽ lắp toàn bộ có biển báo là 452 cái.
* Vì sao hiện nay giá vé tàu lửa còn cao so với các phương thức vận chuyển khác?
- Tại các nước phương Tây, giá vé đi tàu lửa rất cao nhưng vẫn nhiều người lựa chọn, vì tỷ lệ an toàn giao thông cao hơn nhiều so với xe khách, máy bay. Tương lai, ngành đường sắt cố gắng giảm giá vé, đồng thời nghiên cứu cải thiện mức lương cho nhân viên gác chắn và tuần đường. Chúng tôi cũng tăng cường đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ vào hoạt động vận hành, giảm lao động trực tiếp và mở rộng các dịch vụ khác nhằm hỗ trợ tăng thu nhập.
* Ngành đường sắt đang có kế hoạch đầu tư đường sắt tốc độ cao, nguồn vốn sẽ lấy từ đâu và hệ thống đường sắt cũ sẽ quy hoạch sử dụng vào mục đích gì khi đầu tư hệ thống mới?
- Sau khi có đường sắt tốc độ cao thì đường sắt cũ sẽ được sử dụng chở hàng hóa. Theo lộ trình, đến năm 2019, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam dự kiến hơn 1.500km, với khổ 1,435m, đường đôi, tốc độ giai đoạn là 350km/giờ.
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bố trí 7.000 tỷ đồng cho ngành đường sắt thực hiện 4 dự án cấp bách, trong đó 1.950 tỷ đồng sửa chữa cầu yếu, hầm yếu trên tuyến Bắc - Nam; 1.400 tỷ đồng dùng cải tạo năng lực thông qua tuyến Hà Nội - Vinh, 1.800 tỷ đồng đối với tuyến Sài Gòn - Nha Trang và còn lại gói đảm bảo an toàn giao thông với việc xóa 800 lối đi tự mở và cải tạo các điểm xung yếu.
* Ngành đường sắt còn kế hoạch gì để kích cầu khách, thưa ông?
- Trừ dịp lễ, tết, hiện nay đang giảm giá vé đối với nhiều trường hợp, như giảm 90% đối với người hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám, Bà mẹ Việt Nam anh hùng; giảm 30% giá vé đối với các đối tượng là thương binh, người hưởng chính sách, người khuyết tật nặng; giảm 25% giá vé cho trẻ em từ 6 - 10 tuổi.
Ngoài ra, mua vé trước 20 ngày sẽ được giảm 20% - 50% và giảm 6% - 12% cho mua vé tập thể. Dự kiến sẽ triển khai chương trình lập thẻ ưu đãi hội viên dành cho những khách hàng thường xuyên.