Áp dụng công nghệ mới vào quản lý
Để giảm áp lực mạng lưới cấp nước vào ban đêm, các đơn vị cấp nước sử dụng van giảm áp để giảm áp lực. Khi sử dụng van giảm áp, các đơn vị cấp nước sử dụng các phương thức điều khiển, như điều khiển thủ công thông qua pilot gắn trực tiếp trên van giảm áp; điều khiển thủ công thông qua pilot di dời lên tủ tín hiệu; điều khiển thông qua thiết bị khí nén; điều khiển thông qua bộ hẹn giờ timer. Song, các giải pháp trên đều tồn tại hạn chế, như không thể điều tiết được nhiều mức áp lực khác nhau theo nhu cầu vận hành thực tế, không thể đóng mở van từ xa.
Nhằm giải quyết những hạn chế nói trên, cũng như giúp việc vận hành và điều khiển van giảm áp dễ dàng hơn, Cấp nước Bến Thành đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp điều khiển van giảm áp từ xa. Cách làm này có thể điều tiết được nhiều mức áp lực khác nhau theo nhu cầu vận hành thực tế của mạng lưới cấp nước; đóng, mở van từ xa mà không cần phải ra hiện trường.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Công ty CP Cấp nước Bến Thành, cho biết, giải pháp này có thể điều tiết được nhiều mức áp lực khác nhau theo nhu cầu vận hành thực tế và không cần cử nhân viên ra hiện trường đóng, mở van. Ngoài ra, đơn vị xây dựng Trung tâm vận hành mạng lưới cấp nước (NOC) để điều tiết áp lực mạng lưới cấp nước từ xa. Điều này đã giúp hạn chế tối đa điểm bể xuất hiện trên mạng lưới gây thất thoát nước (TTN) và giảm chi phí vận hành, nhân công. Cụ thể, kết quả sau khi điều tiết áp lực, áp lực mạng đã tối ưu với nhu cầu sử dụng nước của khách hàng. Nghĩa là, khi nhu cầu sử dụng nước nhiều, áp lực mạng lưới sẽ mạnh, ngược lại khi nhu cầu sử dụng nước thấp, áp lực mạng lưới sẽ giảm. Đây là nội dung quan trọng giúp hạn chế tối đa điểm bể xuất hiện gây TTN.
Ông Nguyễn Doãn Xã, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Bến Thành, cho biết, công ty luôn chú trọng áp dụng công nghệ mới trong quản lý, đảm bảo cấp nước an toàn. Trong các ứng dụng công nghệ được áp dụng thời gian qua, hệ thống điều tiết áp lực mạng lưới từ xa là một trong những công nghệ góp phần đảm bảo mục tiêu cấp nước an toàn. Thông qua hệ thống, công ty có thể theo dõi lưu lượng và áp lực trên mạng, giúp áp lực trên mạng luôn duy trì ở mức hợp lý, qua đó giảm thiểu rủi ro mà vẫn đảm bảo dịch vụ cấp nước an toàn. Ưu điểm của hệ thống là dữ liệu được số hóa và tích hợp hoàn toàn vào Trung tâm NOC. Nhân viên giám sát có thể thao tác điều tiết tại trung tâm, giúp việc giám sát, vận hành được thực hiện dễ dàng và thuận tiện hơn.
Tự động hóa để chủ động giám sát
Ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ, đơn vị sử dụng nhiều giải pháp, nhất là ứng dụng công nghệ trong việc giám sát, điều tiết công việc từ xa để công tác giảm TTN đạt hiệu quả cao. Trước đây, khi người dân thông báo cho công ty những sự cố về nước, nhân viên trực tổng đài tiếp nhận thông tin rồi chuyển cho bộ phận phụ trách xử lý. Sau đó, thông tin được chuyển cho bộ phận kỹ thuật, kế hoạch để phân công nhân viên đi xử lý. Nhân viên đến hiện trường xem xét, xử lý sự cố và báo cáo bộ phận phụ trách để báo cáo lại lãnh đạo. Đó là quá trình tốn nhiều thời gian, đã khiến một lượng lớn nước bị thất thoát do sự cố không được khắc phục sớm.
Tuy nhiên, từ khi Công ty CP Cấp nước Bến Thành đưa ra giải pháp “Ứng dụng GIS để quản lý sự cố mạng lưới cấp nước”, nhược điểm trên đã được giải quyết. Giải pháp ứng dụng phần mềm Collector, Tổng đài Call Center và Operation dashboard (công cụ quản lý hiệu suất) để khi khách hàng gọi điện thông báo sự cố, nhân viên trực tổng đài sẽ nhập thông tin lên bản đồ quản lý sự cố. Nhân viên sửa chữa chỉ cần mở ứng dụng sẽ biết được điểm nào đang gặp sự cố và đến xử lý khi nhận được thông báo. Sau khi xử lý xong, nhân viên hiện trường cập nhật ngay thông tin (người giám sát, trạng thái, nguyên nhân…), gửi về hệ thống mà không cần về công ty để báo cáo.
Theo ông Nguyễn Doãn Xã, trước đây, địa bàn do công ty phụ trách cấp nước (quận 1 và 3, TPHCM) có tỷ lệ TTN cao nhất trong Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn. Nguyên nhân chính là do hệ thống mạng lưới cấp nước được xây dựng từ thời Pháp thuộc và trước năm 1975 đã bị cũ, mục chưa được cải tạo, thay thế. Từ khi thực hiện dự án giảm TTN của Tổng công ty, tỷ lệ TTN tại khu vực này đã có sự cải thiện. Năm 2023, tỷ lệ TTN của Cấp nước Bến Thành là 12,75%. Riêng 2 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ TTN là 7,15%. Trong công tác chống TTN chủ động, Cấp nước Bến Thành đã ứng dụng khoa học - công nghệ để theo dõi, vận hành, điều tiết từ xa. Đó là việc lắp đặt các thiết bị theo dõi lưu lượng, áp lực nước từ xa để dễ dàng phân tích đánh giá các dữ liệu trên mạng lưới cấp nước liên tục và kịp thời. Đặc biệt, đơn vị đã thực hiện giải pháp Trung tâm NOC để chủ động giám sát, điều hành mạng lưới cấp nước trên hệ thống.
Theo Giám đốc Công ty CP Cấp nước Bến Thành Nguyễn Doãn Xã, từ khi đưa vào sử dụng, Trung tâm NOC đã xây dựng được mô hình quản lý tập trung hoạt động của các bộ phận, tối ưu hóa, tiến tới tự động hóa, điều khiển vận hành mạng lưới cấp nước. Nhờ đó đã tăng khả năng giám sát, theo dõi tình trạng mạng lưới theo thời gian thực, phân tích cảnh báo sự cố xuất hiện trên mạng lưới, theo dõi tiến độ xử lý công việc ngoài hiện trường. Nhờ đó, góp phần nâng cao năng lực quản lý, vận hành mạng lưới cấp nước.