Khác biệt
Các quốc gia đang phải đối mặt với lạm phát và giá nhiên liệu tăng cao như Italy, Hungary đã kêu gọi nhanh chóng ngừng bắn. Theo các nước này, việc ngừng bắn sẽ mở đường cho giảm bớt các lệnh trừng phạt và chấm dứt việc phong tỏa các cảng biển của Ukraine, vốn đang làm trầm trọng thêm khủng hoảng an ninh lương thực. Không đồng tình với quan điểm trên, Ukraine, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic lại cảnh báo một lệnh ngừng bắn sẽ giúp Nga có thời gian củng cố lực lượng và như vậy, cuộc xung đột sẽ còn kéo dài.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từng tuyên bố muốn Nga “suy yếu”, Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn Kiev “phải thắng”, trong khi Đức và Pháp thì bị đánh giá là chưa rõ ràng khi muốn “ngăn không cho Nga giành phần thắng hơn là đánh bại Moscow”, đồng thời ủng hộ các lệnh trừng phạt cứng rắn mới. “Câu hỏi được đặt ra là liệu chúng ta có quay trở lại chiến tranh lạnh hay không? Đó là sự khác biệt giữa Mỹ, Anh và chúng tôi”, một đồng minh của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với Reuters.
Các nguồn tin của Ukraine và Pháp nhận định, sự chia rẽ này có thể còn gia tăng trong thời gian tới, khi các lệnh trừng phạt và chiến sự gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến nguy cơ người dân ở nhiều quốc gia phản ứng dữ dội. “Rõ ràng, mọi thứ ngày càng khó khăn hơn theo thời gian. Chiến tranh thực sự mệt mỏi”, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói với kênh CNN.
Kém gắn kết
Trong bài viết của mình trên tờ The Guardian, nhà báo Simon Tisdall đã chỉ ra rằng, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine nhằm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine đã phơi bày những điểm yếu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sự chia rẽ trong hàng ngũ các nước thành viên của liên minh quân sự này.
Theo tác giả, NATO kém gắn kết hơn so với mường tượng trước đây. Nói cách khác, các nước thành viên NATO vẫn tích cực ủng hộ chính quyền Kiev, song một số nước châu Âu đang “núp sau liên minh” để “tránh thực hiện các nghĩa vụ quốc gia tốn kém đối với Kiev” có thể khiến Moscow tức giận.
Tác giả bài báo cũng cho rằng “sẽ là không thực tế nếu trông đợi sự nhất trí hoàn toàn về chính trị trong một tổ chức lớn như vậy”. Việc đưa ra quyết định nhanh chóng bị cản trở bởi thực tế là tất cả thành viên NATO có quyền biểu quyết ngang nhau, mặc dù theo quan điểm quân sự “họ bất bình đẳng một cách vô lý”.
Tuy nhiên, nhà báo Tisdall cũng thừa nhận, NATO hoàn toàn phụ thuộc vào các quyết định của Mỹ, sẽ không có gì xảy ra nếu không có sự chấp thuận của Washington. Ngoài ra, việc NATO có vẻ như hiện diện ở khắp mọi nơi không mang lại cho liên minh nhiều lợi thế vì không có khả năng tương tác giữa các hệ thống vũ khí của các quốc gia khác nhau, cũng như các cuộc tập trận chung, việc mua sắm vũ khí và chia sẻ thông tin tình báo.
Theo hãng tin Sputnik, trong khuôn khổ gói trừng phạt tiếp theo nhằm vào Nga, Liên minh châu Âu đã loại các ngân hàng Sberbank, Rosselkhozbank và Ngân hàng Tín dụng Moscow khỏi Hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT) kể từ ngày 14-6. Tuy nhiên, các ngân hàng này khẳng định việc bị ngắt kết nối với hệ thống SWIFT không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động ngân hàng. Sberbank cho biết, đang hoạt động bình thường và việc ngắt kết nối với SWIFT không làm thay đổi tình hình hiện tại với các khoản thanh toán quốc tế. Trong khi đó, Rosselkhozbank cũng nhấn mạnh rằng, hệ thống ngân hàng của Nga đã có mọi điều kiện cần thiết để đảm bảo hoạt động giao dịch không bị gián đoạn. |