LTS: Miền Trung được ví là mặt tiền biển của Việt Nam với đường bờ biển dài 1.900km, chiếm 60% chiều dài bờ biển của cả nước, có vị trí đặc biệt quan trọng thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị quyết 36-NQ/TW. Những năm qua, để đánh thức tiềm năng nhằm phát triển mọi mặt đời sống xã hội, các tỉnh miền Trung đã đề ra nhiều giải pháp phát triển mang tính động lực, trong đó đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối ven biển được xem là “chìa khóa” mở cửa các không gian kinh tế biển mới.
Phá thế cô lập, tạo đà kết nối
Hơn 20 năm trước, ven biển từ TP Đà Nẵng đến đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) ẩn hiện những làng chài nhỏ, heo hút. Mùa gió bão, các con đường vốn đã nhỏ lại bị cát biển phủ lấp, sạt lở, khiến các làng biển bị nghèo khó vây hãm. Sau nhiều trăn trở, các thế hệ lãnh đạo TP Đà Nẵng và Quảng Nam đã bắt tay nhau, ưu tiên đầu tư đường kết nối ven biển.
>>> Đổi thay từ tuyến đường biển nối Đà Nẵng – Quảng Nam. Thực hiện: NGUYỄN CƯỜNG - XUÂN QUỲNH
Năm 2007, tuyến đường ven biển nối TP Đà Nẵng với tỉnh Quảng Nam được hình thành, kết nối từ Sơn Trà qua Điện Ngọc đến tận biển Cửa Đại (TP Hội An). Về sau, tuyến đường biển này được ví von là “con đường 5 sao”, không chỉ vì quy mô xây dựng mà còn có sức hút đầu tư các khu resort, khách sạn biển, sân golf đẳng cấp.
Từ thành công trên, tỉnh Quảng Nam tiếp tục đầu tư, mở cầu Cửa Đại với đường ven biển nối TP Hội An - TP Tam Kỳ và sân bay Chu Lai có tổng số vốn hơn 7.100 tỷ đồng. Cây cầu Cửa Đại (hoàn thành năm 2016) cùng hệ thống đường ven biển đã phá thế trắc trở từ TP Đà Nẵng đến đô thị cổ Hội An, thông suốt vào TP Tam Kỳ, cảng Kỳ Hà, sân bay Chu Lai và sắp kết nối với tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (Quảng Ngãi).
Tại TP Quy Nhơn (Bình Định), chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Tấn Hiểu (nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định), người chứng kiến và có những đóng góp cho sự phát triển của đô thị biển Quy Nhơn.
Ông Hiểu kể lại, trước đây Quy Nhơn nằm trong thế biệt lập: trước mặt là biển, hai bên là đèo núi, đầm vịnh. Cả thành phố chỉ có một tuyến ra - vào, vì thế mà nhiều người ví Quy Nhơn như cái hom cá. Đi lại rất khó khăn, quỹ đất nhỏ bé khó phát triển.
Cuộc cách mạng khơi thông đô thị Quy Nhơn đầu tiên phải kể đến tuyến đường kết nối ven biển từ Quy Nhơn đi Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), dài 33km, hoàn thành năm 2001. Đây là tuyến đường mở “mạch máu” phát triển cho Quy Nhơn, về sau hình thành hàng loạt khu resort đẳng cấp quốc tế, kết nối với “thủ đô” nuôi trồng thủy sản miền Trung - thị xã Sông Cầu.
Năm 2013, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam (do GS Trần Thanh Vân, tại Pháp, sáng lập) đã chọn làng phong Quy Hòa ven tuyến đường biển Quy Nhơn - Sông Cầu để hình thành trung tâm gặp gỡ và trao đổi kiến thức khoa học bậc cao. Từ đó đến nay, thung lũng Quy Hòa đã đón hàng ngàn nhà khoa học trên 40 quốc gia đến giao lưu, chia sẻ các kiến thức, lan tỏa tinh thần khoa học vào giới trẻ, công chúng Việt Nam, trong đó có 20 giáo sư đoạt Giải Nobel thế giới.
Về sau, giới khoa học - lịch sử gợi ý thêm cho Bình Định đầu tư công trình điểm nhấn cho TP Quy Nhơn, mang dấu ấn Bác Hồ và cụ Nguyễn Sinh Sắc. “Theo các tài liệu lịch sử, giai đoạn 1909-1910, cụ Nguyễn Sinh Sắc được triều đình cử vào coi thi ở Bình Định, rồi được bổ nhiệm Tri huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn, Bình Định).
Lúc ấy, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Bình Định và được cụ Nguyễn Sinh Sắc gửi đến trau dồi tiếng Pháp tại Trường Pháp - Việt Quy Nhơn. Từ câu chuyện ý nghĩa đó, Bình Định quyết định đầu tư quảng trường biển Quy Nhơn, đặt pho tượng lớn về hai cha con cụ Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành để kỷ niệm sự kiện lịch sử, cuộc gặp gỡ cha con Bác tại Quy Nhơn”, ông Nguyễn Tấn Hiểu, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, kể thêm.
>>> Nỗ lực phá thể độc đạo, cô lập cho đô thị biển Quy Nhơn: Thực hiện: NGỌC OAI
Đô thị Quy Nhơn cũng ghi dấu ấn với nhiều quy hoạch rất khoa học, được kế thừa, tiếp biến sâu sắc qua các nhiệm kỳ. Nay, toàn thành phố phát triển hàng loạt tuyến đường ven biển, trong đó dành phần lớn diện tích ven biển để làm công viên cây xanh, quảng trường biển phục vụ cộng đồng. “Năm 2002, tỉnh tiếp tục đầu tư đường nối biển Quy Nhơn qua các hạ lưu Bắc Hà Thanh - bán đảo Phương Mai với dấu ấn cây cầu vượt đầm Thị Nại dài 7km.
Đây là công trình lịch sử, kinh phí đầu tư hết sức tiết kiệm, chỉ trên 580 tỷ đồng, nhưng hiệu quả mang lại rất to lớn. Nó giúp cho các làng biển ở bán đảo Phương Mai, Núi Bà được khơi thông đôi bờ; ý nghĩa nhất là cung đường đã mở ra tương lai phát triển mới cho Quy Nhơn thừa hưởng quỹ đất rộng lớn ven đầm Thị Nại và bán đảo Phương Mai”, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Tấn Hiểu kể.
Tiềm lực kinh tế biển
Trước đây, địa bàn các xã ven biển như Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai), Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh (huyện Quỳnh Lưu), Diễn Hải, Diễn Trung, Diễn Vạn (huyện Diễn Châu), Nghi Yên (huyện Nghi Lộc, cùng tỉnh Nghệ An) dù cách quốc lộ 1A không xa về đường chim bay nhưng vẫn chưa phát triển.
Cả một dải đất ven biển trù phú, tiềm năng về du lịch, kinh tế biển nhưng chưa được “đánh thức”, bởi đơn giản không có đường giao thông lớn, bị ngăn cách bởi các cửa sông, cửa lạch, đầm lầy, núi cao.
Đến năm 2022, Nghệ An quyết định đầu tư tuyến đường kết nối ven biển từ Nghi Sơn - Cửa Lò có chiều dài 64,47km, tổng vốn 4.651 tỷ đồng. Tuyến đường mở ra khiến bao thế hệ người dân ở các làng biển giáp ranh giữa Nghệ An và Hà Tĩnh đồng thuận, ủng hộ.
>>> Chiêm ngưỡng đường kết nối ven biển Nghệ An, Thanh Hóa. Thực hiện: DUY CƯỜNG
Mới đây, trực tiếp kiểm tra hiện trường công trình, ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, cho rằng, công trình không chỉ kết nối phát triển kinh tế ven biển mà còn an ninh quốc phòng, dân sinh, đặc biệt tạo sự kết nối vùng, liên vùng giữa Nghệ An - Hà Tĩnh và cả miền Trung.
Nối tiếp đó là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, hàng loạt công trình đường bộ kết nối ven biển hàng chục ngàn tỷ đồng đang chạy đua thi công.
Tuyến đường biển từ Dung Quất kéo đến vùng văn hóa cổ Sa Huỳnh dài gần 100km (vốn 5.600 tỷ đồng), kết nối từ các “tọa độ” kinh tế, công nghiệp nặng Dung Quất (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) chạy dài đến “thủ phủ” đánh bắt cá biển lớn nhất miền Trung - thị xã Hoài Nhơn (Bình Định). Hai bên Quảng Ngãi và Bình Định hiệp đồng thống nhất vị trí đấu nối đường biển tại khu vực đèo Vĩnh Tuy (thuộc xã Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn).
Ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh Bình Định, cho biết, những năm trở lại đây, tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và trích “hầu bao” ngân sách tỉnh để hoàn thành các dự án đường kết nối ven biển. Đơn vị được tỉnh giao đầu tư 6 dự án đường biển, vốn khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó 3 dự án đã hoàn thành. Để tranh thủ nguồn lực, bên cạnh sự hỗ trợ lớn từ Trung ương, Bình Định cũng trích ngân sách thêm để thực hiện và tận dụng nguồn vốn ODA…
Quan trọng nhất là chủ động đứng ra làm chủ thể để thực hiện dự án, thậm chí tự bỏ kinh phí để giải phóng mặt bằng sạch cho các dự án. Từ đó, các bộ ngành Trung ương và Chính phủ thấy được quyết tâm của tỉnh, thấy được sự thuận lợi đầu tư dự án nên đồng thuận giúp sức.
Hiện, tỉnh Phú Yên đang tập trung đầu tư hoàn thiện các tuyến đường bộ kết nối biển dài 132,5km. Đây được xem là đường huyết mạch khai phá tiềm năng ven biển của tỉnh và kết nối các cực, vùng phát triển cũng như khai thác thế mạnh liên kết phát triển vùng, giữa Phú Yên - Bình Định, Phú Yên - Khánh Hòa, Phú Yên - Tây Nguyên. Tỉnh đã đầu tư hoàn thành được 98,3km đường kết nối biển, còn 34,2km đang tiếp tục đẩy mạnh, nhất là tuyến kết nối chuỗi các điểm du lịch biển tiềm năng tỉnh, như: Hòn Yến, Gành Đá Đĩa, Vịnh Xuân Đài…
Theo Sở KH-ĐT tỉnh Bình Định, để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng ven biển, tỉnh Bình Định xác định đầu tư công là nguồn lực quan trọng, là “vốn mồi” để dẫn dắt và thu hút các nguồn vốn khác. Nhằm phát huy hiệu quả đường kết nối ven biển, Bình Định đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kết nối, đường “xương sườn”, đặc biệt tập trung kết nối Đông - Tây với 3 tuyến đường động lực, vốn 3.800 tỷ đồng.