PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TPHCM, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Giải thưởng Sáng tạo TPHCM, liên quan đến giải thưởng được đánh giá là động lực phát huy mạnh mẽ tinh thần sáng tạo của các tầng lớp nhân dân TP.
Người Việt Nam ở nước ngoài vẫn có thể nhận thưởng
- PHÓNG VIÊN: Trong năm 2018, TPHCM đã có nhiều phong trào khơi dậy và phát huy truyền thống sáng tạo để phát triển TP. Việc TPHCM công bố và phát động Giải thưởng Sáng tạo TPHCM trong bối cảnh này có ý nghĩa gì, thưa ông?
>> Ông HUỲNH CÔNG HÙNG: Giải thưởng Sáng tạo TPHCM nhằm tôn vinh các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân có các công trình nghiên cứu, giải pháp, sản phẩm, dịch vụ sáng tạo và có những thành tích tiêu biểu cụ thể đóng góp cho sự phát triển của TP. Việc phát động, trao Giải thưởng Sáng tạo TPHCM cũng nhằm tuyên truyền rộng rãi, tạo sự lan tỏa về tính sáng tạo của tập thể, cá nhân; từ đó cổ vũ, khơi dậy tinh thần thi đua, văn hóa sáng tạo để góp phần xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới.
Giải thưởng sẽ được trao tặng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân người Việt Nam và cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong các hoạt động sáng tạo.
- Bên cạnh việc khơi dậy, phát huy sáng tạo thì việc đẩy mạnh cải cách hành chính là nhiệm vụ được đặc biệt quan tâm. Như vậy, giải thưởng sáng tạo này có được xem xét, trao tặng cho các đóng góp trong lĩnh vực cải cách hành chính, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp?
Giải thưởng Sáng tạo TPHCM được xét trao cho các công trình nghiên cứu, giải pháp, sản phẩm, dịch vụ được chia thành 7 nhóm. Bên cạnh các giải thưởng cho các công trình nghiên cứu, các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ mới, sáng tạo của các tập thể, cá nhân góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội, thì giải thưởng cũng sẽ trao cho các công trình nghiên cứu, các giải pháp, dịch vụ mới trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính mà trong năm 2019 TPHCM tập trung thực hiện. Trong đó, Giải thưởng Sáng tạo về cải cách hành chính phải dựa trên nền tảng căn bản là lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hàng đầu về hiệu quả của các công trình, giải pháp được chọn.
- Để Giải thưởng Sáng tạo TPHCM có ý nghĩa, thật sự tạo ra giá trị thực tiễn thì các tiêu chí chọn xét, trao giải đặt ra như thế nào, thưa ông?
Một trong những tiêu chí quan trọng để xét chọn, trao giải thưởng là các công trình nghiên cứu, giải pháp, sản phẩm, dịch vụ đã được ứng dụng vào thực tiễn, có hiệu quả và mang lại giá trị thực tiễn về kinh tế - văn hóa - xã hội cao, góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách trong xây dựng và phát triển thành phố. Điều này có nghĩa, dù là công trình hay sản phẩm thì chúng cũng phải được thẩm định giá trị từ thực tiễn cuộc sống và chúng phải mang lại giá trị thật sự mới được xét chọn, trao giải.
Ý kiến người dân là kênh tham khảo quan trọng
- Theo chủ trương, TPHCM đề cao vai trò của người dân trong việc cho ý kiến bình chọn giải thưởng. Vậy thì cơ chế nào để cụ thể hóa chủ trương này và đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan trong việc xét chọn, trao thưởng?
Minh bạch, công khai và khách quan là yêu cầu bắt buộc, phải đảm bảo tuân thủ trong quá trình xét chọn, trao Giải thưởng Sáng tạo TPHCM. Để thực hiện điều này, trong quy trình xét chọn có công đoạn lấy ý kiến của người dân (thông qua các cơ quan báo chí, trong đó Báo Sài Gòn Giải Phóng chịu trách nhiệm chính - PV). Cụ thể, các cá nhân, đơn vị tự chọn hoặc đề xuất những công trình sáng tạo tham gia giải thưởng, gửi đến ban tổ chức giải thưởng (Ban Thi đua - Khen thưởng TP). Từ đó, hội đồng xét chọn sẽ thẩm định, chọn lọc và đánh giá các công trình sáng tạo. Những công trình, giải pháp được chọn sẽ được thông tin cho các cơ quan báo chí để công bố, giới thiệu và lấy ý kiến của bạn đọc, người dân. Từ kết quả này, hội đồng quyết định đề xuất chọn các công trình, giải pháp trên cơ sở chấm điểm của các thành viên.
Các ý kiến góp ý của người dân, bạn đọc trên báo chí được xem là thông tin tham khảo quan trọng cho việc xét chọn. Bởi lẽ, chúng tôi nhấn mạnh đến tính hiệu quả thực tế của các công trình, giải pháp và chính các ý kiến đóng góp này sẽ giúp ban tổ chức đánh giá chính xác hơn về những giá trị thực tiễn mà các công trình, giải pháp sáng tạo mang lại.
- Lãnh đạo TPHCM kỳ vọng gì về kết quả giải thưởng?
Trong năm 2018, lãnh đạo TPHCM đã có chủ trương thực hiện các chương trình khơi dậy và phát huy truyền thống sáng tạo để phát triển TP giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo. Đây là một chủ trương đúng đắn, bởi lẽ nếu không có sáng tạo thì TPHCM sẽ tụt hậu. Tất cả các khó khăn của TPHCM đều có thể giải quyết được, nếu TP thực sự phát huy được sự sáng tạo của người dân. Đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ rõ nguồn tài nguyên lớn nhất là 10 triệu dân của TPHCM và chính sự sáng tạo của người dân sẽ quyết định phát triển TP.
Việc UBND TP ban hành quy chế Giải thưởng Sáng tạo TPHCM là nhằm cụ thể hóa chủ trương trên. Thông qua việc công bố, phát động và trao Giải thưởng Sáng tạo TPHCM vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần thứ nhất được trao vào tháng 4-2019), chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo động lực cụ thể để phát huy mạnh mẽ tinh thần sáng tạo của các tầng lớp nhân dân TP, từ đó đóng góp vào sự phát triển nhanh và bền vững của TPHCM.
Theo kế hoạch, Giải thưởng Sáng tạo TPHCM sẽ được trao tặng định kỳ 2 năm/lần. Mỗi lần sẽ trao 70 giải, cho các công trình nghiên cứu, giải pháp, sản phẩm, dịch vụ sáng tạo theo 7 nhóm lĩnh vực: |