Hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh có chung hồ Dầu Tiếng và sông Sài Gòn, đoạn giáp ranh có chiều dài khoảng 50km, người dân ở nhiều địa bàn 2 tỉnh chỉ cách nhau dòng sông nhưng phải đi đường vòng rất mất thời gian. Nhưng từ đầu tháng 1-2023, công trình cầu, đường nối 2 địa phương được chính thức đưa vào sử dụng đã giúp rút ngắn thời gian đi lại xuống gần một nửa. Ông Nguyễn Cao Tiến (43 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) chia sẻ: “Trước đây, tôi di chuyển từ trung tâm TP Thủ Dầu Một đến TP Tây Ninh mất gần 2 giờ đồng hồ, thì nay còn khoảng 1 giờ khi đi qua cây cầu mới khánh thành”. Ông Nguyễn Văn Hậu (giám đốc một công ty vận tải tại TP Dĩ An, Bình Dương) vui mừng vì công ty thường xuyên vận chuyển hàng hóa qua lại giữa Tây Ninh và Bình Dương, quãng đường ngắn hơn nên chi phí nhiên liệu giảm khoảng 20%/chuyến, giúp giảm giá cước vận chuyển, tăng khả năng cạnh tranh.
Để chủ động khai thác không gian phát triển mới, tỉnh Tây Ninh cũng cơ bản hoàn thành đầu tư đường Đất Sét - Bến Củi (tổng mức đầu tư 518 tỷ đồng), đầu tư đường DT.782 - DT.784 (tổng mức đầu tư 1.272 tỷ đồng) để kết nối đến TP Tây Ninh, Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh… Với chủ trương phát triển hạ tầng đi trước một bước, đường bộ ở Bình Dương đang từng bước được đầu tư mới, nâng cấp, cơ bản tháo gỡ được một số điểm nghẽn kết nối vùng, nhưng mạng lưới đường sắt từ tỉnh đến các địa phương đang là điểm yếu nhất. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phấn đấu xây dựng và đưa vào vận hành dự án kéo dài tuyến Đường sắt đô thị số 1 từ ga Suối Tiên đến phường Bình Thắng.
Để hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị của tỉnh theo quy hoạch, đa dạng hóa phương thức vận tải hành khách công cộng, Bình Dương kêu gọi nhà đầu tư và xây dựng hoàn thành tuyến đường sắt công nghiệp từ Khu công nghiệp Bàu Bàng đến cảng Cái Mép - Thị Vải. Hiện, tỉnh Bình Dương đã gặp đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và đề xuất tổ chức này cùng Chính phủ Nhật Bản quan tâm, hỗ trợ thu xếp nguồn vốn ODA để đẩy nhanh công tác triển khai các dự án: tuyến đường sắt đô thị số 1 tỉnh Bình Dương nối tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM từ ga cuối Suối Tiên (TPHCM) đến TP mới Bình Dương; tuyến đường sắt công nghiệp Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép dài 127,45km.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, đi liền với phát triển hệ thống đường sắt đô thị hiện đại là dịch vụ logistics, từ đó mở ra các không gian phát triển mới, kích thích các hoạt động kinh doanh dịch vụ phát triển theo, từng bước nâng cao đời sống của người dân. Các công trình giao thông kết nối vùng không chỉ kết nối giữa các địa phương mà còn mở ra không gian phát triển mới cho khu vực Đông Nam bộ, hướng đến là đầu mối giao thông lớn của vùng và đến các cửa khẩu quốc tế đi Campuchia và các nước trong khối ASEAN. Đặc biệt, các dự án giao thông liên vùng cũng mở ra một hướng mới tiếp cận các trung tâm vận tải thủy, bộ và hàng không như: hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế Long Thành, hình thành một lộ trình mới vận chuyển hàng hóa trong vùng Đông Nam bộ thuận lợi hơn.