Động lực mới từ các dự án hạ tầng liên vùng

Nhiều dự án hạ tầng giao thông liên vùng Đông Nam bộ liên tục được khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng tại tỉnh Bình Dương thời gian qua đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân đi lại, chi phí vận chuyển hàng hóa tiết kiệm hơn, đặc biệt là hình thành các động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng không gian đô thị, giúp thu hút đầu tư hiệu quả hơn.

Tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng vừa được đưa vào sử dụng
Tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng vừa được đưa vào sử dụng

Đẩy nhanh thi công nhiều công trình

Trên công trường dự án đường Vành đai 3 TPHCM, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương, bất chấp mưa nắng thất thường, hàng chục công nhân cùng máy móc, phương tiện vẫn hối hả thi công nút giao Bình Chuẩn (TP Thuận An). Đến nay, sau gần 1 năm khởi công, các đơn vị đã thi công khoảng 20% khối lượng, các cột móng công trình, bệ mố, trụ cầu vượt đã mọc lên giữa bãi đất trống. Anh Nguyễn Văn H. (quê Thanh Hóa), công nhân tại công trình, chia sẻ: “Khi mới vào làm, nhìn đại công trình ngổn ngang, tôi không biết bắt đầu từ đâu, bản thân thấy choáng ngợp trước khối vật tư khổng lồ tập kết tại dự án. Nhưng đến nay, công trình cầu vượt từng bước thành hình, anh em công nhân liên tục nhận sự động viên của các đơn vị nên làm việc nhiệt tình, hăng hái, đảm bảo an toàn, phấn đấu đưa công trình sớm về đích”.

Trong khi đó, tại nút giao Tân Vạn (TP Dĩ An), nhờ có sự ủng hộ của nhân dân trong vùng dự án và công tác giải phóng mặt bằng triển khai quyết liệt, cơ bản đảm bảo tiến độ. Đây là gói thầu xây lắp cuối cùng trong số 4 gói thầu xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM qua tỉnh Bình Dương, được đánh giá là một trong những nút giao phức tạp khi kết nối những tuyến đường huyết mạch như Vành đai 3 TPHCM và xa lộ Hà Nội. Nút giao Tân Vạn cũng có nhiều cầu vượt, lại nằm ở vị trí giáp ranh giữa TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai với nhiều loại phương tiện qua lại. Khi dự án hoàn thành sẽ mở ra không gian đô thị rộng lớn, nhộn nhịp ở ngã ba tiếp giáp các thành phố lớn, năng động bậc nhất trong vùng là TP Thủ Đức (TPHCM), TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) và TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).

Sau gần 1 tháng đưa vào sử dụng cầu Bạch Đằng 2, nối TP Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) với huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), bà Ngô Thị Minh Lan, người dân sống ở xã Bạch Đằng (TP Tân Uyên) vẫn vẹn nguyên niềm vui khi có cây cầu thứ 2 qua sông Đồng Nai, phá thế đò ngang cách trở giữa 2 địa phương.

Tạo ra không gian phát triển mới

Trước khi các dự án hạ tầng giao thông liên vùng ở vùng Đông Nam bộ thành hình, ít ai có thể hình dung được các vùng dân cư xa khu công nghiệp, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, hạ tầng kinh tế - xã hội còn lạc hậu, lại bỗng chốc nhộn nhịp với xe cộ vận tải ngược xuôi, thậm chí còn không ít lần chứng kiến cảnh “sốt đất” ven các tuyến đường động lực. Theo các chuyên gia quy hoạch, cơ sở hạ tầng cầu, đường hình thành tới đâu sẽ mở ra không gian phát triển tới đó, giúp đổi thay nhanh chóng các vùng đất nghèo khó; chưa kể giá trị quỹ đất khu vực dự án cũng tăng nhanh chóng, không chỉ người dân hưởng lợi mà các khu đất công cũng được xác định mức giá mới, giúp địa phương khai thác hiệu quả hơn và khi đấu giá quyền khai thác, ngân sách nhà nước cũng thu được nhiều hơn.

Không chỉ không gian phát triển được mở rộng, các dự án hạ tầng lớn được khởi công, hoàn thành cũng góp phần tạo ra các khu đô thị hiện đại, hình thành động lực phát triển mới cho các khu vực, từ đó giá trị các công trình giao thông liên vùng vượt ra khỏi công năng giao thông, tạo động lực cho cả khu vực rộng lớn phát triển, điển hình như khu vực thành phố mới Bình Dương và tương lai là sân bay quốc tế Long Thành, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…

Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, các công trình hạ tầng liên vùng đưa vào sử dụng thời gian qua giúp nhân dân vùng giáp ranh các địa phương ngày càng xích lại gần nhau hơn. Riêng cầu Bạch Đằng 2 là một trong những “cửa ngõ” để Bình Dương kết nối về sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam, hệ thống cảng biển quốc tế phía Đông TPHCM, đường Vành đai 3 TPHCM. Đây là cơ sở để mở rộng không gian, tạo thêm tiền đề và là động lực quan trọng để các tỉnh phát triển hơn nữa.

Sở GT-VT tỉnh Bình Dương đang tích cực phối hợp với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư, kết nối các tuyến đường vành đai, cao tốc theo quy hoạch vùng, nhằm giảm tải cho các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần thực hiện thành công các đột phá chiến lược về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng như cải tạo các đô thị, dịch chuyển các khu công nghiệp lên phía Bắc tỉnh.

Tin cùng chuyên mục