Đây rõ ràng không phải là mục tiêu khó của thể thao thành phố nếu căn cứ vào đóng góp tại SEA Games 31 diễn ra hồi tháng 5, cũng như đợt tổng duyệt tại đại hội thể thao toàn thành vừa qua.
Trong một nền thể thao chuyên nghiệp, việc đứng nhất hay nhì về số lượng huy chương tại một đại hội định kỳ 4 năm không phải là chuyện quan trọng. Chất lượng trên từng thành tích thi đấu, trong đó sự tiến bộ ở các thông số kỹ thuật mới là điều đáng quan tâm, nhất là với một trung tâm thể thao mạnh, có truyền thống tiên phong và được tiếp cận với công nghệ tốt như TPHCM.
Đặc thù của một đô thị lớn, đông dân, chịu áp lực về sự thiếu hụt cơ sở vật chất buộc những nhà quản lý thể thao thành phố phải xây dựng một chiến lược khác biệt, tìm động lực mới để không chỉ duy trì vị trí hàng đầu trong nền thể thao quốc gia mà còn tạo được những giá trị có tính thực tế để phục vụ cộng đồng.
Lấy ví dụ từ môn bóng đá. Đây là môn không thể thiếu ở các thành phố lớn bởi tính phổ quát của nó rất cao và điều này cũng đã được thể hiện ở TPHCM trước đây. Nhưng việc bóng đá thành phố sa sút nặng nề trong 2 thập niên vừa qua đã gây ra sự thất vọng rất lớn. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng chưa thấy ai đặt câu hỏi: phải chăng đây là hệ quả của sự phát triển thiếu trọng tâm, dàn trải của thể thao TPHCM nói chung? Bóng đá sa sút do giới quản lý còn thiếu quyết liệt, công tác đầu tư còn mang tính hình thức và cách làm vẫn chưa có tính đặc thù để tạo đột phá.
Có rất nhiều môn thể thao khó có thể phát triển tại một đô thị đất chật, người đông như TPHCM. Ví dụ, muốn tổ chức một giải bán marathon đã không hề đơn giản, khi chi phí vận hành có thể gấp hàng chục lần so với một sự kiện chạy bộ ở những địa phương khác.
Ngược lại, những môn có hàm lượng công nghệ cao, chú trọng khoa học dinh dưỡng hoặc thi đấu trong nhà chắc chắn sẽ phát triển tốt tại TPHCM. Điển hình như môn đấu kiếm, bóng rổ, hay futsal.
Một yếu tố khác được xem là thế mạnh của trung tâm kinh tế như TPHCM, là nguồn lực đầu tư, khả năng chi tiêu và tiếp cận người xem tốt. Điều này phù hợp cho những môn như bóng đá, quần vợt, E-sport hay võ thuật đối kháng.
Nói cách khác, chiến lược phát triển của thể thao TPHCM cần phải mang tính đặc thù, không thể chạy theo số lượng và cũng không thể sao chép từ cách vận hành của một đô thị khác như Hà Nội, bởi vai trò và chức năng của thể thao thủ đô có những điểm khác so với TPHCM. Nói cách khác, giữ vị thế hàng đầu như hiện tại bằng một nền thể thao mang bản sắc riêng sẽ là nhiệm vụ của thể thao thành phố.
Ở một góc nhìn khác, thể thao Việt Nam cũng đang định hình lại chiến lược phát triển sau SEA Games 31, không còn dàn trải và ngốn ngân sách nữa. Trên tinh thần đó, thể thao TPHCM cần đi trước một bước, chuyển đổi quy hoạch thể thao và tìm động lực mới cho mình. Thậm chí là cần một cuộc “chuyển đối số” mạnh mẽ trong thể thao thành phố khi tập trung nhiều hơn vào các môn có hàm lượng công nghệ và có triển vọng thương mại, nôm na là tính nghề cao.
Có định hướng thì mới dẫn đến quy hoạch phân môn, mới nói đến việc đầu tư cơ sở vật chất, mới biết chính xác nên xây dựng Khu Liên hợp Thể thao Rạch Chiếc theo quy mô nào, có thực sự cấp thiết hay nên ưu tiên tạo cơ chế cho các doanh nghiệp, CLB chuyên nghiệp tự đầu tư. Bài học từ quá trình đầu tư kéo dài của khu Rạch Chiếc đã quá rõ ràng, cần phải tính toán lại.
Cho dù có những lợi thế về con người, tài chính và công nghệ so với nhiều nơi khác thì nói cho cùng, nguồn lực đầu tư cho thể thao vẫn chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ so với các lĩnh vực khác của thành phố. Vì vậy mới cần có trọng tâm, có động lực phù hợp và sự quyết liệt trong hành động. Có như thế, mới hy vọng một môn quan trọng như bóng đá sẽ sớm trở lại thời hoàng kim, bằng không thì càng làm càng lãng phí tiền bạc, thời gian và niềm tin.