Theo Chủ tịch ABAC Kriengkrai Thiennukul, mục tiêu của ABAC là thúc đẩy hệ thống thương mại dựa trên quy tắc toàn cầu và khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương, cũng như một hệ sinh thái hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chủ tịch ABAC kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC tạo điều kiện mở lại biên giới để đẩy nhanh quá trình phục hồi trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng ABAC sẽ tiếp tục tập trung vào việc phát triển và thực hiện khuôn khổ khu vực để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và du lịch trong thời kỳ hậu Covid. Các Bộ trưởng Tài chính và đại diện cấp cao từ 21 nền kinh tế thành viên APEC tuần qua cũng đã khép lại 2 ngày họp tại Bangkok với cam kết tăng cường các nỗ lực kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và tài chính, ổn định nợ công và không điều chỉnh tỷ giá hối đoái vì mục đích cạnh tranh.
Hội nghị nhắc lại cam kết thực hiện các chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bao trùm và tạo việc làm, cam kết sử dụng tất cả các công cụ chính sách sẵn có trong phạm vi có thể để quản lý áp lực lạm phát và hướng nền kinh tế toàn cầu trở lại con đường tăng trưởng. Hơn hết, APEC sẽ xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ giảm thiểu tác động kinh tế từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh và xung đột thông qua việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo khẳng định các nền kinh tế thành viên APEC ngày càng được trang bị đầy đủ công cụ để chống chọi với những sóng gió kinh tế trong thời gian tới. Theo ông, APEC, nhất là với các thành viên châu Á, là lời nhắc nhở tốt nhất về sức sống của nền kinh tế khu vực cũng như vai trò trung tâm ngày càng tăng của khối.