Động lực hợp tác liên vùng

TPHCM và ĐBSCL vốn gắn bó như máu thịt từ trong lịch sử hình thành và phát triển, luôn có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước.

Thực tiễn phát triển các vùng đang nổi lên yêu cầu phải liên kết nội vùng, liên vùng trong nhiều lĩnh vực từ kinh tế, xã hội đến phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Thực tế đang nổi lên một số vấn đề liên quan đến liên kết vùng cần được tháo gỡ. Đó là, chưa rõ chủ thể cấp vùng, nguồn lực đầu tư cho vùng. Vùng không phải là cấp ngân sách, việc đầu tư cho vùng phụ thuộc vào sự đầu tư của Trung ương và các địa phương.

Tổ chức Ban Chỉ đạo hay Hội đồng Điều phối vùng để tăng cường phối hợp trong thực tế còn một số hạn chế, kém hiệu lực, hiệu quả, cần hoàn thiện. Thiếu cơ sở dữ liệu vùng, nhất là các dữ liệu cơ bản, chuyên ngành dùng chung, làm cơ sở khoa học và thực tiễn để hoạch định chính sách, quy hoạch, bố trí, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Sự cạnh tranh giữa các tỉnh có thể phá vỡ quy hoạch tích hợp vùng. Thực tiễn cho thấy đã xuất hiện “xung đột lợi ích” trong quá trình phát triển địa phương gắn với 3 trụ cột phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường.

Những nỗ lực của TPHCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thời gian qua trong việc xây dựng các mô hình liên kết, xác lập và vận hành các cơ chế quản trị vùng là rất đáng ghi nhận, nhưng cũng đang đặt ra các yêu cầu hoàn thiện thể chế. Tuy nhiên, các thỏa thuận liên kết còn một số điều cần tăng cường sự liên kết thường xuyên hơn, vận hành hiệu quả và phối hợp thực chất hơn nữa. Các liên kết về kinh tế giữa các địa phương cần dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực hay phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Tăng cường hợp tác, liên kết vùng thời gian tới phải đặt trong bối cảnh thể chế chung, vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù mà TPHCM, TP Cần Thơ có được và tùy theo đặc điểm của vùng để xây dựng cơ chế mới và động lực hợp tác mới. Trong bối cảnh thể chế liên kết vùng còn một số điều chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển vùng, nên rất cần sự nghiên cứu, thúc đẩy liên kết phát triển vùng ngày càng bền vững hơn.

Thời gian tới, hợp tác liên vùng và liên kết giữa TPHCM và các tỉnh cần tập trung ưu tiên cho mục tiêu phát triển chung, tạo lập không gian kinh tế chung, phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, hàng loạt công trình giao thông, hạ tầng quan trọng có ý nghĩa liên kết vùng đang được tập trung đầu tư sẽ tạo ra không gian phát triển mới, rất cần cơ chế hợp tác mới thực chất, hiệu quả.

Đường Vành đai 3 đi qua 4 địa phương: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An là dự án giao thông lớn nhất phía Nam. Dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành, tiếp nối là đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 và hàng loạt các tuyến cao tốc đã khởi công như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cần Thơ - Cà Mau…, khi hoàn thành sẽ tạo ra không gian phát triển mới, động lực hợp tác mới và cần cơ chế hợp tác mới. Do vậy, phải lấy quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý, là trung tâm để điều phối các hoạt động liên kết hợp tác, hài hòa lợi ích, khuyến khích sự linh hoạt và sáng tạo, đảm bảo tạo lập và củng cố sự tin tưởng lẫn nhau. Sớm hoàn thiện thể chế liên kết vùng bảo đảm thực chất, hiệu quả, khả thi, có kế thừa những kết quả và thực tiễn tốt trong giai đoạn trước.

Cần nghiên cứu đề xuất xây dựng bộ máy vùng có đủ thẩm quyền, năng lực và nguồn lực để thực hiện hiệu quả vai trò chỉ đạo, điều phối và tạo thuận lợi cho các chính quyền địa phương thực hiện liên kết vùng. Đặc biệt, cần tăng cường liên kết vùng trong các lĩnh vực: phát triển cơ sở hạ tầng vùng, nhất là hạ tầng giao thông, logistics, hạ tầng năng lượng, viễn thông, thương mại; quản lý, khai thác nguồn nước; sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; phòng chống dịch bệnh; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo. Tất cả khi vận hành được thông suốt, không chỉ kích hoạt được sự phát triển của từng địa phương mà còn góp phần thúc đẩy phát triển vùng ngày càng nhanh và bền vững hơn.

Tin cùng chuyên mục