Động lực đổi thay

- Nhiều người vẫn còn ngạc nhiên khi hay tin xứ mình tốn cả tỷ đô la để nhập gạo. Câu hỏi của họ là tại sao phải nhập? Đang xuất khẩu đều đều, lại bỏ tiền ra mua gạo ngoại, có phải chuyện tréo ngoe?

- Đó thiệt ra là điều bình thường. Nông dân mình trồng nhiều lúa đặc sản, gạo xuất đi được giá cao. Mối lợi ấy khiến các giống lúa phẩm cấp thấp hơn không còn được chuộng. Nhưng xứ mình vẫn cần gạo để làm thức ăn chăn nuôi, hoặc doanh nghiệp cần nhập để xuất khẩu cho kịp đơn hàng đã ký. Chuyện nào có lợi hơn thì làm, đó mới là kinh doanh.

- Nhưng nhập khẩu nông sản cũng gây ra sức ép lớn cho nông dân. Hàng nhập về nhiều mà bán chạy, người sản xuất ở mình sẽ méo mỏ?

- Đâu chỉ lúa gạo, mà trái cây, thịt heo, thịt bò, thủy sản, bánh kẹo…, hàng nhập cũng hà rầm. Người tiêu dùng có những nhu cầu khác nhau, nếu chỉ có hàng sản xuất trong nước thì không đáp ứng đủ. Và khi kinh tế đã hội nhập sâu, xuất khẩu - nhập khẩu sẽ đan xen đa dạng. Đâu có cách nào để “đóng cửa tắt đèn” khi thị trường đã hoàn toàn khác trước. Hàng nhập nếu tốt lại rẻ sẽ thúc ép nhà sản xuất phải tìm ra cách cạnh tranh để tồn tại. Cải thiện được chất lượng và giá bán, người tiêu dùng càng chuộng.

- Không thể cứ làm ăn theo lối cũ. Cạnh tranh lành mạnh luôn tạo ra động lực để đổi thay.

Tin cùng chuyên mục