Từ những việc nhỏ
Hơn 6 tháng qua, nhiều người đến khám bệnh tại Khu Kỹ thuật cao của Bệnh viện Nhân dân 115 cảm thấy thú vị khi tiếp đón bệnh nhân là một chú robot thông minh. Không chỉ chào hỏi, robot Smart Friend (Người bạn thông minh) còn đưa người bệnh đến các phòng chuyên khoa để gặp bác sĩ thăm khám, dẫn đường cho người bệnh vào thang máy. Đây là một trong những sáng kiến của bác sĩ Bùi Trọng Nguyễn, Trưởng đơn vị chăm sóc khách hàng, Phó Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhân dân 115.
Theo bác sĩ Nguyễn, robot “Người bạn thông minh” là sản phẩm Bệnh viện Nhân dân 115 phối hợp cùng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thực hiện nhằm thay thế con người phục vụ khám chữa bệnh. “Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 300 ca cấp cứu, 1.600 bệnh nhân nội trú và hơn 3.000 bệnh nhân khám ngoại trú. Do đó, chúng tôi chỉ muốn góp một phần nhỏ để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, cùng thành phố phát triển”, bác sĩ Nguyễn bày tỏ.
Khi gặp ThS Phạm Quang Thắng, Trưởng Phòng Nghiên cứu công nghệ sinh học và thủy sản (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TPHCM), chúng tôi bắt gặp ngọn lửa nhiệt huyết của một người trẻ dành cho ngành nông nghiệp và người nông dân. Với tất cả niềm đam mê dành cho nông nghiệp, anh Thắng đã nghiên cứu để có những sáng kiến, cải tiến, ứng dụng công nghệ vào ruộng đồng, giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất, hướng đến phát triển nông nghiệp xanh.
Để có thể cho ra đời nhiều sáng kiến, cải tiến, anh Thắng chia sẻ, bản thân luôn trăn trở với những khó khăn của người nông dân, làm sao để có sản phẩm sạch, hướng đến nền nông nghiệp xanh, từ đó anh và đồng nghiệp có những mô hình cải tiến quy trình tạo thuận tiện hơn. Theo anh Thắng, đã là sáng kiến thì dù nhỏ hay lớn cũng phải đặt tâm vào làm.
Cũng như anh Thắng, trong công việc, chàng kỹ sư Nguyễn Trọng Nhân, Tổ trưởng vận hành, Phòng Kỹ thuật, Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân, thấy khâu nào còn khúc mắc, chưa hài lòng thì bắt tay cải thiện ngay, dù đó là việc nhỏ. Trong 8 năm làm việc tại đơn vị, thấy cái gì chưa ổn, còn khó khăn cho công nhân khi thi công thì anh nghiên cứu, cải tiến để công việc ngày một thuận tiện hơn.
Góp sức vì môi trường làm việc tốt hơn
Là người trực tiếp làm việc tại nhà máy, anh Trương Văn Hưng, Quản lý máy móc, điện nước khu xưởng, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) luôn trăn trở làm sao để tạo môi trường làm việc an toàn hơn cho người lao động. Từ những điều còn bất cập trong công việc, anh Hưng đưa ra các sáng kiến, cải tiến. Có thể kể đến các sáng kiến như: hệ thống báo nhiệt độ cao; bộ cảm biến an toàn cho máy lăn keo; nội địa hóa hệ thống tự động PLC thang máy xuất hàng; hệ thống điều khiển tự động từ xa cho máy nén khí…
Theo anh Hưng, khi thực hiện các cải tiến, anh chỉ nghĩ để giúp công việc tốt hơn, anh em công nhân được an toàn hơn khi làm việc, tiết kiệm chi phí cho công ty; tuy nhiên, nhận thấy hiệu quả từ các cải tiến, công ty đã công nhận và đưa vào áp dụng rộng rãi giúp cải thiện môi trường làm việc an toàn hơn cho các xưởng. Điều này giúp anh có thêm động lực để tiếp tục nghiên cứu.
Tại Xí nghiệp liên doanh Vianco, chị Võ Thị Hãi, Trưởng phòng Kiểm tra sản phẩm và quản lý chất lượng, được đồng nghiệp quý mến, bởi chị luôn có những sáng kiến đưa ra sản phẩm mới, giúp thu nhập của công nhân tăng lên. Xí nghiệp Vianco vốn nổi tiếng với sản phẩm bột cà ri Ấn, nhưng dần dần sản phẩm bão hòa trên thị trường khiến doanh số khó tăng. Trăn trở, chị Hãi nghiên cứu để cho ra đời các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Sáng kiến đầu tiên của chị Hãi là “Nước cốt phở bò, gà” với kiểu dáng, hình ảnh bắt mắt. Đây cũng là sản phẩm rất thành công không chỉ trong nước mà cả xuất khẩu ra nước ngoài.
Ở một vị trí khác, với vai trò nhân viên chăm sóc trẻ tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp, chị Tạ Kim Loan nhìn thấy những khó khăn trong công việc chăm sóc trẻ tại trung tâm. Trăn trở, năm 2023 chị Thúy đề xuất sáng kiến “Cải tiến phương pháp chăm sóc đối với trẻ động kinh ở Khoa đặc biệt nặng”. Từ khi được áp dụng, sáng kiến đã đem lại hiệu quả cao, giúp việc chăm sóc trẻ bị động kinh được tốt hơn. Sáng kiến cũng góp phần bảo vệ môi trường sống, giảm thiểu chất thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí điều trị thuốc, hạn chế trẻ chuyển viện.
Ngày 10-5, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM tổ chức chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Tham dự có hơn 100 doanh nghiệp đông công nhân trên địa bàn TPHCM.
Tại chương trình, đại diện các doanh nghiệp đã nêu nhiều ý kiến liên quan giải pháp cải thiện đời sống, việc làm để ổn định nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chính sách về nhà ở cho người lao động... Trong 4 tháng đầu năm 2024, TPHCM thành lập mới 22.345 doanh nghiệp, tăng 10%; giải thể 14.000 doanh nghiệp. Tổng số vốn doanh nghiệp đăng ký giảm 17,1% so với cùng kỳ. Thành phố giải quyết việc làm cho hơn 110.000 người, đạt 36,6% kế hoạch năm. Có 10.430 người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp trong số 12.101 hồ sơ đăng ký.
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho rằng, đây là dịp để lãnh đạo thành phố, tổ chức Công đoàn lắng nghe, hiểu, đồng hành và tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp tại thành phố. Ngoài ra, các sở, ngành thành phố cần tiếp tục gần gũi với cộng đồng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, đơn hàng, cải thiện việc làm, đời sống người lao động.