Nghệ thuật sống trong lòng công chúng
Chia sẻ sau khi nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, NSND Duy Thịnh cho biết, bài học ông luôn truyền lại cho các thế hệ học trò của mình là: đã là nghệ sĩ, phải nêu cao trách nhiệm công dân và trách nhiệm với những cảm xúc nghệ thuật, để nghệ thuật sống trong trái tim khán giả. Cùng quan điểm này, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho rằng, điều mong mỏi nhất của người làm nghề là ai cũng nên có khát khao viết một ca khúc để lại dấu ấn trong đời sống xã hội.
Thời gian là thước đo và có tính đào thải rất lớn, có những tác phẩm có thể ra đời và nổi tiếng trong một hoàn cảnh nào đó nhất định, nhưng cũng có tác phẩm ra đời và trường tồn, như những ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao, Hồng Đăng, Phạm Tuyên…
“Cho nên tại sao đã đi qua mấy chục năm, có thể cả trăm năm, cả thế kỷ mà nhiều ca khúc vẫn sống mãi với đời sống xã hội. Chắc chắn tác phẩm đó đã đi vào tâm trí, ở lại trong trái tim của những người dân đất Việt của chúng ta. Khi âm nhạc viết lên, người nhạc sĩ không thể dàn xếp điều gì; âm thanh vang lên, người nghe cảm nhận và nó tồn tại mãi mãi trong trái tim, đó là sự tưởng thưởng cao nhất đối với người nghệ sĩ”, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nói.
Chủ tịch nước Võ văn Thưởng trao tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2023 đến các tác giả, đồng tác giả. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Là một trong những tác giả được trao tặng Giải thưởng Nhà nước trong đợt này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á chia sẻ: “Với mong muốn ghi lại khoảnh khắc đặc biệt, được kể những câu chuyện truyền cảm hứng, lan tỏa tình yêu, niềm tự hào của người Việt Nam, tôi miệt mài thực hiện những chuyến đi thực tế sáng tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và những bức ảnh cứ chất đầy trong kho lưu trữ để làm tư liệu cho những công trình sách, triển lãm lớn. Và còn rất nhiều câu chuyện cảm động, những chân tình kết nối yêu thương đằng sau mỗi khung hình, mỗi triển lãm, mỗi cuốn sách được xuất bản. Nhiều người nhờ đó đã gặp được người hỗ trợ để thoát nghèo, vượt khó.
"Tôi nghĩ rằng, cứ tận tâm, âm thầm làm, âm thầm cống hiến thì đến một lúc nào đó, công sức của mình sẽ được ghi nhận, đền đáp. Hãy đến với nghề bằng tấm chân tình, rồi sẽ nhận lại là một tấm lòng ấm áp"
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, nhấn mạnh: Sự miệt mài lao động, hy sinh một cách âm thầm và lặng lẽ của từng văn nghệ sĩ mang đến cho chúng ta những xúc cảm và sự ngưỡng mộ, cảm phục. Điều đáng trân trọng là khi mỗi tác phẩm có giá trị ra đời, đến với công chúng đều được ghi nhận, có tiếng vang, được Đảng, Nhà nước công nhận như một trong những thành tố để góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Các giải thưởng không chỉ ghi nhận thành tích, giá trị tác phẩm của các tác giả mà còn là sự động viên các văn nghệ sĩ tiếp tục dấn thân trên con đường sáng tạo.
Tin tưởng thế hệ kế tiếp
Là tác giả trẻ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT trong đợt này, NSƯT Trần Ly Ly cho rằng, mọi văn nghệ sĩ đều rất mong muốn cống hiến, có những tác phẩm với khát khao đam mê của mình để cống hiến cho nền VHNT nước nhà. Song, với thế hệ trẻ, để thực hiện được khát vọng chắt lọc, nghiên cứu, sáng tạo những giá trị mới trong thế giới phẳng phải đương đầu với nhiều thách thức.
Tác giả Trần Ly Ly được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Cùng chung trăn trở về nghề, đạo diễn-NSND Nguyễn Thước cho rằng, với nghệ thuật nói chung và với người làm phim tài liệu nói riêng, muốn có được tác phẩm tốt, bên cạnh kiến thức được đào tạo cần sự đam mê, lăn xả. “Để trở thành đạo diễn phim tài liệu, phải có bản lĩnh sống, sau đó mới đến tri thức và tài năng. Nếu đã lao vào nghề này thì phải yêu nó, sống với nó và hết lòng vì nó. Có lẽ đó là điều quan trọng nhất với những người làm điện ảnh”, đạo diễn phim tài liệu Đất lạnh bày tỏ.
Chia sẻ băn khoăn về những lo ngại sẽ “cạn nguồn” trong những lần xét tặng giải thưởng sắp tới khi chưa xuất hiện nhiều nhân tố trẻ nổi trội, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định: “Chúng ta hiện có khoảng 40.000 văn nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ, có những người đang hoạt động sung sức - là những tài nguyên sáng tạo. Càng ngày, văn nghệ sĩ trẻ sẽ càng có cơ hội phát triển bởi họ có điều kiện sáng tác thuận lợi hơn, có nhiều hơn sự hỗ trợ của công nghệ nên việc tiếp cận với thế giới cũng thuận tiện hơn, nguồn sáng tác vì thế cũng dồi dào và phong phú hơn”.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng thẳng thắn chỉ ra, khi nguồn nhân lực tốt, tác phẩm ngày một nhiều lên nhưng vấn đề là có được những tác phẩm xứng tầm với tầm vóc dân tộc, với kỳ vọng của nhân dân, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật hay không thì phụ thuộc vào mỗi tác giả, vào ý thức công dân, vào cảm xúc, sự thăng hoa…
Ông nói: “Khó có thể đặt ra kế hoạch hàng năm, song với niềm tin, được sự khích lệ động viên của Nhà nước qua việc vinh danh, trao tặng giải thưởng, chúng ta có quyền hy vọng sẽ có được nhiều hơn nữa những tác phẩm, tác giả nổi bật”.
128 tác giả, đồng tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2023, trong đó có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 112 tác giả, đồng tác giả được trao tặng, truy tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT.
Cụ thể, 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, gồm: nhạc sĩ Văn Ký (Vũ Văn Ký); tác giả Nguyễn Văn Chước (Bùi Trang Chước); tác giả Hoàng Châu Ký; tác giả Nguyễn Xuân Trình; tác giả Nguyễn Xuân Đức; tác giả Hoàng Trung Thông (Đặc Công, Bút Châm); tác giả Bùi Hiển; đồng tác giả, NSƯT Phan Thế Dõng (Trần Nhu, Nguyệt Hải); nhạc sĩ Hồng Đăng (Phan Đăng Hồng); tác giả Chu Chí Thành; tác giả Võ Nguyên Nhân (Võ An Khánh); đồng tác giả, NSND Đặng Hùng; đồng tác giả, NSND Vũ Việt Cường; đồng tác giả, NSND Lê Văn Khình; đồng tác giả, PGS-TS, NSND Ứng Duy Thịnh; đồng tác giả, PGS-TS, NSND Nguyễn Thị Hiển.
* Nhạc sĩ ĐỖ HỒNG QUÂN, Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam:
Nhiệm vụ lớn lao của văn nghệ sĩ
Qua các giải thưởng, giới văn nghệ sĩ càng tăng thêm niềm tin, có động lực để tiếp tục sáng tạo, đi vào đời sống tìm kiếm những đề tài mới, khó để cho ra đời những tác phẩm giá trị. Chính họ sẽ nối tiếp dòng chảy của đời sống VHNT với các tác phẩm xuất sắc, có giá trị cao. Đó cũng chính là nhiệm vụ lớn lao đặt ra đối với giới văn nghệ sĩ.
Chúng tôi cũng kỳ vọng cùng với sự quan tâm, Đảng, Nhà nước sẽ có những hỗ trợ thiết thực để các tác phẩm có giá trị sẽ càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn, có sức sống bền lâu trong đời sống VHNT của dân tộc.
* NSND ỨNG DUY THỊNH:
Thế hệ tác giả hôm nay có đủ hành trang để bước tiếp
Tôi hoàn toàn đặt niềm tin với thế hệ tiếp nối chúng tôi, đó là quy luật tất yếu, đổi mới và tồn tại, luôn luôn phát triển tìm ra cái mới. Thế hệ tác giả hôm nay có đầy đủ hành trang để bước tiếp với nhận thức, trình độ, tấm lòng từ hiện thực hôm nay. Tuy rằng hiện thực hôm nay có những phút thăng trầm nhưng những thăng trầm đó đều trở thành động lực tích cực cho sáng tạo nghệ thuật.