Anh TRẦN NGUYỄN MINH HOÀNG, ngụ đường Nguyễn Văn Trỗi,
quận Phú Nhuận: Ai ở đâu ở yên đó
Dịch đang lan trong cộng đồng và nếu sơ sót, chỉ cần một lần chúng ta ra khỏi nhà thì có thể bị lây nhiễm. Không có thịt cá thì ăn tạm rau củ quả, thiếu cơm gạo thì ăn tạm mì gói. Nếu không còn gì thì gọi chính quyền hỗ trợ chứ nhất định thời gian này phải “cố thủ” trong nhà. Những người tuyến đầu phòng chống dịch rất vất vả và chỉ mong chúng ta ngồi yên ở nhà. Cùng các biện pháp chống dịch quyết liệt, chính quyền luôn dành sự quan tâm đến đời sống, an sinh của người dân. Do vậy, không có lý do gì mà chúng ta không quyết tâm, đồng lòng để “mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch”.
Bà NGUYỄN THỊ LAN, Chủ tịch Hội LHPN quận Gò Vấp: Không để ai bị bỏ lại phía sau
Từ đầu mùa dịch, Hội LHPN quận luôn tiếp nhận các phần quà của nhà hảo tâm để phân phát cho những hộ dân gặp khó khăn, người yếu thế trên địa bàn và triển khai bếp ăn của cơ sở. Hiện tất cả 16 phường đã thành lập bếp ăn, nấu cơm phục vụ miễn phí cho lực lượng phòng chống dịch. Trong đợt giãn cách lần này, việc đi chợ giúp dân cũng được Hội LHPN triển khai 16/16 phường. Cán bộ phụ nữ các phường, công chức, viên chức đảm nhiệm tiếp nhận điện thoại, nắm bắt nhu cầu thực phẩm thiết yếu của người dân. Sau đó phân công lực lượng đi chợ và đưa các gói thực phẩm tới tận nhà cho người dân. Nếu hộ nào có khó khăn, liên hệ Hội LHPN quận để được giúp đỡ kịp thời, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để không một ai bị bỏ lại phía sau.
Ông LÊ ĐÌNH CHÍ, cựu chiến binh phường 15, quận 8: Còn nhiều người cần hỗ trợ gấp
Tôi hành nghề chạy xe ôm. Dịch Covid-19 bùng phát hơn 2 tháng nay, tôi dừng công việc, gia đình cũng rất khó khăn. Dù vậy, gia đình tôi chấp hành nghiêm chỉnh giãn cách xã hội. Ngoài gia đình tôi, trong hẻm 36 Mễ Cốc còn có hơn 20 hộ dân khác. Họ là người lao động nhập cư đang làm các ngành nghề phổ thông, lương công nhật, cũng đang gặp khó khăn. Rất mừng là mới đây, các hộ trong hẻm được hỗ trợ gạo, mì, trứng vịt, dầu ăn, nước mắm... Tôi nghĩ còn khá nhiều người như chúng tôi và cần hỗ trợ sớm để họ yên tâm chấp hành giãn cách.
Bà NGUYỄN THỊ NGỌC HƯỜNG, khu phố 1A, phường Tân Thuận Đông, quận 7: Hướng dẫn người dân tự làm test nhanh
Theo kế hoạch của thành phố là sẽ lấy mẫu xét nghiệm nhanh toàn dân để bóc tách các ca F0. Hiện các đội y tế lấy mẫu lưu động cũng đã về các tổ dân phố, khu phố để lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của tôi thì nguy cơ lây nhiễm từ lấy mẫu rất lớn do dân tập trung, do sơ ý mà cán bộ y tế chưa sát khuẩn tay hay thay găng tay theo quy định. Do vậy, hướng dẫn người dân tự làm test nhanh là tốt nhất. Theo đó, có 2 cách hướng dẫn. Một là, đội lấy mẫu lưu động xuống địa bàn, hướng dẫn trực tiếp cách lấy mẫu cho người dân, sau đó phát que lấy mẫu hoặc kit để dân tự test tại chỗ và thu lại. Hai là, Bộ Y tế, Sở Y tế hay các đơn vị y tế chuyên môn làm một clip video thật rõ ràng hướng dẫn người dân tự lấy mẫu test tại nhà, sau đó phát lên các phương tiện truyền thông, mạng chính thống để người dân chủ động “trăm nghe không bằng một thấy”. Có như vậy vừa đỡ tốn công sức cho nhân viên y tế, vừa đảm bảo tránh lây lan dịch.
Ông LÊ HOÀNG BÁCH, ngụ phường 4, quận 3: Tạo điều kiện cho người bệnh hiểm nghèo đi mua thuốc
Tôi bị bệnh ung thư dạ dày giai đoạn đầu và phải sử dụng thuốc đặc trị thường xuyên. Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, các bệnh viện tập trung điều trị F0 nên cho phần lớn người mắc bệnh hiểm nghèo, nan y xuất viện về nhà điều trị ngoại trú để tránh lây nhiễm nguy hiểm, việc tái khám cũng hạn chế. Trong các đợt giãn cách trước, người dân hết thuốc điều trị có thể nhờ người đi mua, hoặc đặt nhà thuốc qua online rồi nhờ shipper giao hàng. Nhưng nay thành phố siết chặt ra đường, tôi chưa kịp mua thuốc dự phòng, trong khi thuốc điều trị chỉ còn dùng 3 ngày nữa là hết. Hôm qua người nhà tôi đi mua thuốc, nhưng gặp chốt kiểm soát thì được bảo quay về dù đã trình bày sổ khám bệnh, toa thuốc. Hơn nữa, toa thuốc đặc trị nên phải ra các nhà thuốc ở đường Hai Bà Trưng (quận 1) mới có, chứ các nhà thuốc gần nhà không bán. Do đó, nên chăng linh hoạt xem xét cho những trường hợp bệnh nan y, hiểm nghèo được ra ngoài mua thuốc đặc trị; bởi có nhờ qua tổ Covid-19 cộng đồng hay trạm y tế lưu động chắc cũng khó vì anh em rất bận rộn.
Không những vậy, nhiều người mắc bệnh mãn tính khác cũng rất khó mua thuốc lúc này, trong khi thuốc thì không thể ngừng, rồi bệnh trở nặng, cấp cứu… Do vậy, các đội y tế lưu động ngoài hỗ trợ bệnh nhân F0 cũng cần túc trực 24/24 giờ, trang bị đa dạng loại thuốc để kịp thời hỗ trợ người dân trên địa bàn.
Anh TỪ SỸ VŨ, khu phố 4, quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức: Rất mong được hỗ trợ nhu yếu phẩm, bình gas
Tôi là F0 vừa xuất viện về, cách ly nghiêm ngặt tại nhà trọ. Thời gian qua, hộ của tôi chỉ nhận được một phần hỗ trợ lương thực gồm gạo, trứng, dầu ăn… Bây giờ thành phố siết chặt giãn cách, không mua sắm gì được và nghe nói địa phương sẽ tổ chức đi chợ cho người dân. Nhưng đến nay, tôi chưa thấy khu phố thông báo cách thức đặt hàng thế nào. Ngoài lương thực thực phẩm, khó khăn nữa là gọi gas để nấu ăn. Còn những người ở trọ thường dùng loại gas bình nhỏ mini thì càng không biết đổi trả thế nào... Rất mong chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ.