Thứ hai là việc chấn chỉnh hoạt động trái phiếu, ngân hàng kéo theo chuỗi liên quan về bất động sản, qua đó ảnh hưởng nặng nề đến các ngành thương mại, dịch vụ. Cuối cùng là lực cản tự thân của bộ máy hành chính thành phố.
Từ đó, không dễ để có được sức bật trở lại từ quý 2. Chỉ nỗ lực làm sao để 3 tháng kế tiếp, kinh tế thành phố không rơi vào suy thoái đã là một nhiệm vụ thách thức. Hay nói cách khác, quý 2 phải dồn sức cho những bước chạy chuẩn bị để tăng trưởng quý 3, quý 4 đạt từ 2 con số trở lên thì mục tiêu tăng trưởng của năm (2023) đặt ra mới có thể hoàn thành.
Trong bối cảnh như trên, động lực tăng trưởng cho thành phố chính là kích hoạt, đẩy mạnh đầu tư và tiêu dùng. Với đầu tư công, đã được xác lập là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, ban hành cả công cụ để kiểm soát, thúc đẩy thực thi nhưng có vẻ như vẫn chưa đủ mạnh. Trong tình hình đầu tư tư nhân đang gặp quá nhiều khó khăn thì chính đầu tư công sẽ là “vốn mồi” để khơi thông các dòng chảy, đặc biệt là gần 23.000 tỷ đồng dự án Vành đai 3 TPHCM sẽ được tăng tốc trong quý 2.
Kế đó là tập trung đẩy nhanh các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là các dự án trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Ưu tiên các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu cũng như tiếp tục kêu gọi nguồn kiều hối đổ về thành phố cho các đầu tư xã hội - cộng đồng.
Khi công nghiệp đang rơi vào cực suy giảm thì cần có những quyết sách “hà hơi tiếp sức” trong ngắn hạn và định hướng sâu hơn trong trung hạn. Trong tọa đàm kinh tế - xã hội quý 1 do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức, các chuyên gia đã đề cập đến sự cần thiết phải có những chính sách ưu đãi tương xứng, mang tính đón đầu, chủ động hấp thụ với các ngành công nghệ cao cho thành phố.
Bên cạnh đó, với xu thế “xanh hóa sản xuất”, thành phố cần chuẩn bị cho việc nghiên cứu, chính sách cho việc chuyển dịch sang công nghiệp công nghệ cao như đẩy mạnh hoạt động, hỗ trợ doanh nghiệp cấp chứng chỉ xanh, gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này.
Động lực mạnh mẽ nhất, hứa hẹn nhất của tăng trưởng cho các quý tới đó chính là thương mại dịch vụ, với 9 nhóm ngành dịch vụ thành phố ưu tiên phát triển đang đóng vai trò dẫn dắt. Tuy nhiên, dòng tiền của các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành dịch vụ sau dịch bệnh bị tắc nghẽn, cần phải theo dõi hiệu quả của Nghị định 08 và bám sát các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất, vay vốn để khơi thông các dòng tiền vào lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, TPHCM cần thúc đẩy mạnh mẽ các sự kiện, lễ hội, hội chợ; tận dụng các khu trung tâm, câu lạc bộ, triển lãm để tổ chức, tạo sự lan tỏa rộng và sâu trong cộng đồng, những việc đã và đang làm trong 3 tháng đầu năm.
Cuối cùng, mọi nỗ lực, hành động, các chỉ số tăng trưởng đều nhằm phục vụ cho đời sống người dân tốt nhất có thể, tăng trưởng bền vững nhất là chất lượng sống, làm việc, thụ hưởng của mỗi công dân thành phố. Chắc chắn, trong đà suy giảm kinh tế thì các vấn đề lao động, xã hội, giáo dục, y tế sẽ ít nhiều trở thành sức ép.
Các biện pháp hỗ trợ “cần câu” lẫn “con cá” đều phải được tận dụng hiệu quả, đến đúng người, đúng việc, từ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động về an sinh xã hội, trợ cấp thất nghiệp cho đến các chương trình đào tạo lại cho lao động thất nghiệp, miễn giảm các phí, chi phí về giáo dục, y tế.
Ở chiều ngược lại, như một động lực hồi đáp chính là sự đồng thuận xã hội trong các quyết sách và ở những thời điểm khó khăn cần chung sức giải quyết, đồng lòng chia sẻ. Cụ thể thông qua các diễn đàn, kênh tương tác, mọi ý kiến của người dân, người lao động, doanh nghiệp sẽ được tiếp nhận, lắng nghe, trao đổi, giải quyết.
Để mục tiêu duy nhất là duy trì, bảo vệ mối quan hệ giữa nhà nước - nhà đầu tư - doanh nghiệp - người dân - lao động, tạo niềm tin và sự đồng thuận xã hội trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bấp bênh.