Theo đó, các tình nguyện viên sẽ phối hợp cùng du khách quốc tế, công nhân vệ sinh môi trường tiến hành vớt rác trên kênh rạch ở địa bàn TPHCM. Đây cũng là dự án được Ban tổ chức chiến dịch Giờ Trái đất thế giới 2018 chọn làm dự án tiêu biểu thực hiện ở 200 quốc gia trên thế giới.
Vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất. Ảnh: CAO THĂNG
Sạch môi trường từ hành động nhỏ Trao đổi về ý nghĩa của việc triển khai dự án này, bạn Nguyễn Thanh Ngân, Điều phối chính chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam chia sẻ, dự án “Điểm đến xanh” được chính thức khởi động từ năm 2015. Theo đó, các tình nguyện viên phối hợp lực lượng công nhân vệ sinh thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM thực hiện vớt rác trên hệ thống kênh rạch. Trong đó, tập trung chủ yếu làm sạch kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Đến năm 2016, dự án được mở rộng hơn khi có sự tham gia của đông đảo du khách quốc tế khi đến tham quan và làm việc tại Việt Nam. Nhiều du khách và tình nguyện viên tham gia thực hiện dự án này mong muốn gửi thông điệp đến với cộng đồng là bảo vệ môi trường, đơn giản chỉ cần không xả rác xuống kênh rạch, chung tay góp phần làm xanh, sạch dòng kênh. Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, nhấn mạnh: “Năm nay, quy mô dự án tiếp tục mở rộng hơn. Ngoài hoạt động chính là thực hiện vớt rác dọc hệ thống kênh rạch của thành phố, các tình nguyện viên, công nhân của công ty sẽ tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư, nhất là dân cư sống khu vực lân cận hệ thống tuyến kênh rạch không xả rác xuống dòng kênh. Đồng thời, ngăn chặn hành vi xả rác xuống kênh rạch của người dân vãng lai. Không dừng lại đó, trước yêu cầu ngày càng cao trong công tác bảo vệ môi trường của thành phố, công ty đang chuyển đổi mạnh mẽ hoạt động theo hướng hiện đại hóa trang thiết bị để nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn TPHCM. Cụ thể, với trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn, công ty đã tiến hành đầu tư xe ép kín chuyên dụng. Việc đưa xe ép kín chuyên dụng vào hoạt động sẽ từng bước giúp giảm ô nhiễm thứ cấp, không làm phát sinh mùi hôi, nước rỉ rác trong quá trình vận chuyển. Với hoạt động thu gom và xử lý chất thải y tế, công ty đã đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu xử lý ngày càng cao của thành phố. Ngoài ra, từ năm 2013, công ty đã đầu tư triển khai xây dựng mô hình “Khu phố xanh kiểu mẫu”, hỗ trợ người dân thực hiện và duy trì thói quen phân loại rác tại nguồn ở quận Tân Phú. Cho đến nay, đã có hơn 2.000 hộ gia đình tại quận Tân Phú thường xuyên thực hiện phân loại rác tại nguồn và chuyển giao đúng lịch hẹn cho đội ngũ vệ sinh thu gom. Riêng việc thực hiện chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ xử lý hiện đại là đốt phát điện, công ty cũng đã có những bước chuyển biến cần thiết nhằm có thể đáp ứng tốt nhất chủ trương mới của thành phố về công tác xử lý chất thải, cải thiện thực trạng ô nhiễm môi trường”. Hòa trong không khí chung tay bảo vệ môi trường của hàng ngàn tình nguyện viên chiến dịch Giờ Trái đất, đại diện Ban giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Co.opmart), cho biết hệ thống siêu thị Co.opmart đã triển khai thay thế các trang thiết bị cũ bằng các thiết bị hiện đại hướng tới mục tiêu tiết kiệm năng lượng và công nghệ thân thiện với môi trường. Đơn vị tiên phong tự đầu tư để đưa túi ni lông thân thiện với môi trường (túi tự hủy) vào sử dụng từ nhiều năm qua và khuyến khích khách hàng mang theo túi này khi đến mua sắm tại siêu thị. Bên cạnh đó, từ ngày 15 đến 28-3, sẽ có các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng xanh diễn ra trên toàn hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Co.opSmile, HTV Co.op. Cụ thể, triển khai chương trình mua sắm xanh nhanh tay tiết kiệm, Đổi cũ lấy mới, 10 năm Giờ Trái đất - Ưu đãi nhân 10 và nhiều chương trình siêu ưu đãi khác vào các giờ vàng trong ngày… Đặc biệt, tại 20 siêu thị ở khu vực TPHCM và các tỉnh sẽ hướng dẫn người tiêu dùng, cộng đồng khu vực lân cận thực hiện hoạt động tắt đèn vào ngày 24-3 nhằm hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất.
Đêm sự kiện chính “Giờ Trái đất Việt Nam 2018 - Chung tay tắt điện toàn cầu” sẽ diễn ra từ 17 đến 22 giờ ngày 24-3 tại sân 4A Nhà văn hóa Thanh niên, quận 1, TPHCM. Chương trình dự kiến thu hút hơn 5.000 thanh thiếu niên và người dân trên địa bàn thành phố đến tham dự với trọng tâm là vận động tắt đèn đồng loạt trong 1 giờ trên toàn thế giới (lúc 20 giờ 30 theo giờ Việt Nam).
Lan tỏa kết nối xanh Theo bà Lý Việt Trung, Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, Trưởng ban chỉ đạo chiến dịch Giờ Trái đất tại TPHCM, nhìn lại chặng đường 10 năm hoạt động, từ những năm đầu do các câu lạc bộ - đội nhóm môi trường riêng lẻ tổ chức, hưởng ứng chủ yếu tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, đến nay đã lớn mạnh cả về quy mô tổ chức lẫn số lượng người tham gia và biết đến chiến dịch trên khắp Việt Nam. Tính riêng tại TPHCM đã có gần 60.000 lượt tình nguyện viên tham gia. Đó là thành quả của sự cố gắng, đồng lòng từ tập thể ban tổ chức và đông đảo tình nguyện viên qua rất nhiều năm, là sức trẻ cống hiến với mong muốn góp phần thay đổi trong cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn. Bước vào năm cuối trong lộ trình 3 năm “Thách thức - Vượt qua - Thay đổi”, chiến dịch tiếp tục đổi mới thêm các hoạt động gồm dự án Chuyển động xanh, Cộng đồng xanh, Điểm đến xanh, Bước nhảy xanh, Đội hình Cải tạo hệ thống điện miễn phí cho các hộ gia đình khó khăn… và đặc biệt phát huy hơn nữa kết quả thành công ngoài mong đợi của dự án Kết nối xanh, góp phần lan tỏa mạnh mẽ thêm tinh thần của chiến dịch đến sâu rộng hơn các đối tượng ở nhiều độ tuổi, ngành nghề, môi trường sống khác nhau trong xã hội... Với phương châm ngày càng nâng cao chất lượng chương trình thông qua việc gia tăng các hoạt động thực tế khác, ngoài tuyên truyền kêu gọi, còn tăng số lượng tình nguyện viên tham gia và đối tượng thụ hưởng thành quả trực tiếp từ các dự án, đã cho thấy bước phát triển và nỗ lực thay đổi, làm mới mình qua mỗi năm của chiến dịch để hoàn thiện và đưa hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động cộng đồng trở nên gần gũi, thiết thực hơn bao giờ hết. Đồng quan điểm này, ông Huỳnh Minh Nhựt nhấn mạnh thêm, là một trong những đơn vị tham gia đồng hành hỗ trợ nhiều năm cho hoạt động của chiến dịch đã từng bước tạo nên cộng đồng những người yêu môi trường và bảo vệ môi trường lớn nhất Việt Nam. Việc công ty đồng hành cùng chiến dịch cũng mong muốn đóng góp vai trò nhất định vào việc chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường, góp phần vào mục tiêu phát triển chung của TPHCM là nhanh và bền vững.
Ra quân làm sạch kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2018, ngày 17-3, các tình nguyên viên của chiến dịch đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM ra quân khởi động dự án “Điểm đến xanh” - Vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan, kết hợp vận động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Dự án “Điểm đến xanh” đã được Chiến dịch Giờ Trái đất Thế giới chọn vào tốp dự án tiêu biểu của 200 quốc gia và đưa vào TVC giới thiệu toàn cầu trong năm 2018. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau một thời gian hồi sinh đang bị tái ô nhiễm do người dân xả rác xuống kênh. Trung bình mỗi ngày có đến 7 tấn rác và lục bình được vớt trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2018, ngày 17-3, các tình nguyên viên của chiến dịch đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM ra quân khởi động dự án “Điểm đến xanh” - Vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan, kết hợp vận động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Dự án “Điểm đến xanh” đã được Chiến dịch Giờ Trái đất Thế giới chọn vào tốp dự án tiêu biểu của 200 quốc gia và đưa vào TVC giới thiệu toàn cầu trong năm 2018. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau một thời gian hồi sinh đang bị tái ô nhiễm do người dân xả rác xuống kênh. Trung bình mỗi ngày có đến 7 tấn rác và lục bình được vớt trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
MINH HẢI