Rộn ràng tái sản xuất
Ghi nhận thực tế tại Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất, huyện Củ Chi TPHCM, đang có 25 công nhân làm việc. Mọi người tất bật kiểm tra lại tất cả những công đoạn compound, phôi, kiểm tra máy lưu hóa, xông nhiệt trước… để sẵn sàng khởi động lại toàn bộ hoạt động sản xuất ngày 15-2 (mùng 6 tết). Phó Giám đốc Công ty Nguyễn Đức Hồng chia sẻ, toàn công ty có 980/1.060 công nhân trở lại làm việc sau thời gian nghỉ tết. Hoạt động sản xuất sẽ diễn ra đồng bộ trên tất cả các dây chuyền. Năm 2023, nhiều đơn hàng của công ty bị dừng đột ngột hoặc thiếu cục bộ tại một số thời điểm nhất định. Do vậy, để khắc phục những khó khăn đã xảy ra, ngay từ tháng 9-2023, công ty đã xúc tiến nhiều thị trường mới nhằm tiếp cận thêm đối tác xuất khẩu. Cùng với đó, việc khởi động sớm hoạt động sản xuất cũng sẽ giúp công ty có thêm thời gian giao hàng, hạn chế rủi ro từ các cuộc xung đột tại khu vực biển Đỏ, có nguy cơ ảnh hưởng đến thời gian giao vận, logistics toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lộc Trời, thông tin, ngay những ngày đầu năm 2024, công ty đã thắng thầu một đơn hàng cung ứng 65.000 tấn gạo Bulog 65. Do vậy, tập đoàn đã chủ động lên kế hoạch tái sản xuất sớm sau tết. Theo đó, 3.600 nhân sự của hệ sinh thái sản xuất Tập đoàn Lộc Trời đã có mặt tại các nhà máy để đảm bảo tái khởi động sản xuất. Các nhà máy đang nỗ lực tổ chức sản xuất đảm bảo các đơn hàng đã ký trước tết. “Đúng sáng 15-2, đồng loạt 1 nhà máy thuốc bảo vệ thực vật, 1 nhà máy phân bón, 1 nhà máy bao bì cùng 10 nhà máy gạo với năng lực cung ứng 2 triệu tấn gạo mỗi năm cho thị trường trong nước và quốc tế sẽ sẵn sàng cho sản xuất”, ông Huỳnh Văn Thòn nhấn mạnh.
Đại diện Công ty Vissan cho biết, từ mùng 2 tết, tất cả các cửa hàng giới thiệu sản phẩm VISSAN và một số quầy thịt VISSAN tại các hệ thống siêu thị đều đã bắt đầu mở cửa. Khối sản xuất đã bắt đầu giết mổ heo, bò từ đêm mùng 4 rạng sáng mùng 5 tết. Khoảng 200 công nhân viên làm việc tại các khu vực nhà xưởng tham gia làm việc ngày đầu năm.
Tín hiệu thị trường có những điểm sáng mới
Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Long Sơn, cho biết nhiều doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Điều Việt Nam nói chung và Tập đoàn Long Sơn chọn ngày 15-2 để tái khởi động sản xuất. Khác với những năm trước, các doanh nghiệp thường chọn bắt đầu một phần hoạt động sản xuất, nhưng năm nay sẽ khởi động tất cả dây chuyền. Phần lớn các doanh nghiệp đều đã phải trải qua năm 2023 đầy khó khăn. Dù vậy, sang năm 2024, nhiều doanh nghiệp ngành điều tự tin hơn khi tín hiệu thị trường có những điểm sáng mới. Thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Đông… vẫn gia tăng nhu cầu. Thực tế từ cuối năm 2023, đơn đặt hàng nhập khẩu điều của Việt Nam từ các thị trường trên tăng lên rõ rệt; nhiều nhà máy chế biến điều phải hoạt động hết công suất để kịp thời gian giao hàng.
Tương tự, thông tin tái khởi động sản xuất được Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, Hội Cơ khí - Điện... chia sẻ. Hầu hết các công nhân về quê đón tết đã có mặt sẵn sàng cho ngày làm việc đầu năm.
Bộ Công thương cho biết, trước đó, bộ cùng các doanh nghiệp đã tổ chức phân tích, đánh giá chung về những khó khăn mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt trong năm 2024. Theo đó, lo lắng nhất vẫn là sức mua toàn cầu chưa “dễ thở”. Nguy cơ giá nguyên vật liệu, logistics leo thang vẫn sẽ tác động tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chính vì thế, bộ đã chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài bắt tay cùng với doanh nghiệp để khai phá thị trường mới, thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp Việt chưa tận dụng hết. Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó hơn 50 thị trường xuất khẩu mà hàng hóa Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh nhất định. Do vậy, việc khởi động sớm hoạt động sản xuất ngay từ những ngày đầu năm là giải pháp để doanh nghiệp tận dụng cơ hội mở rộng và tìm kiếm thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu từ các thị trường chủ lực, thị trường mới...