Tìm giá trị mới cho nguyên liệu cũ
Dừa nước vốn bạt ngàn ở những vùng đồng bưng nước trũng, nhưng gần như chỉ được khai thác tàu lá để làm lán, lợp nhà hoặc lấy cơm dừa bán giải khát, không mang lại giá trị cao. Bởi vậy, Phan Minh Tiến (29 tuổi, ngụ huyện Cần Giờ, TPHCM) luôn trăn trở nghĩ cách để cây dừa nước mang lại nguồn thu cao hơn, cũng như góp phần bảo vệ hệ sinh thái ở Cần Giờ.
Qua tìm hiểu các tài liệu nước ngoài, Tiến biết đến mật dừa nước lấy từ các cuống sau khi thu hoạch quày dừa. Trăn trở về vùng nguyên liệu dừa nước bạt ngàn ở quê hương lại trỗi dậy, Tiến bỏ ngang công việc của người kỹ sư hóa, mày mò tìm cách chiết xuất mật dừa nước. Nỗ lực của Tiến được đền đáp sau 3 năm miệt mài nghiên cứu, thất bại và lại quyết tâm làm bằng được.
Đến nay, thương hiệu “Mật dừa nước ông Sáu” của Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam (Vietnipa) do Tiến sáng lập đã trở nên quen thuộc với du khách khi đến Cần Giờ. Mật dừa nước có thể làm nước uống bổ sung dưỡng chất tự nhiên hoặc sử dụng thay đường, mật ong trong nấu ăn, pha thức uống. Như vậy, phát huy giá trị 900ha dừa nước ở Cần Giờ, Tiến không chỉ xây dựng được một thương hiệu sản phẩm độc đáo, mà còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hàng chục gia đình.
Trong khi đó, tiết kiệm điện cũng đang là vấn đề nóng mà nhiều người dân quan tâm, nhất là các đơn vị kinh doanh. Trần Nguyễn Duy Tuấn (21 tuổi; đồng sáng lập dự án khởi nghiệp Airiot - giải nhất cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel 2019 do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) thuộc Thành đoàn TPHCM tổ chức) cho biết, từ băn khoăn này mà mình miệt mài tìm giải pháp tiết kiệm điện.
Nghiên cứu việc thuê phòng (trên ứng dụng Airbnb - kết nối người thuê nhà, thuê phòng với những người có phòng cho thuê trên khắp thế giới), Tuấn nhận thấy, rất nhiều khách khi ra phòng mà không tắt các thiết bị điện. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn có nguy cơ cháy nổ. Tuy nhiên, nếu lắp hệ thống thẻ ngắt và kích hoạt điện thì tương đối phức tạp. Vậy là Tuấn cùng cộng sự lao vào nghiên cứu.
Sau 4 năm, bộ sản phẩm tiết kiệm điện với ứng dụng hệ thống thông minh Airiot ra đời. Thiết bị này có giá 1 triệu đồng, gồm 2 bộ điều khiển nhỏ, một gắn vào công tắc trong phòng, một treo như móc khóa. Khi khách ra khỏi phòng, thiết bị sẽ tự ngắt điện và điện cũng sẽ tự mở nếu khách vào phòng. Tuấn cho biết, sau gần một năm thử nghiệm trên hơn 100 căn hộ cho thuê, kết quả mỗi tháng các căn hộ này tiết kiệm được 25% tiền điện.
Ra đời từ năm 2010, đến nay BSSC xây dựng được một cộng đồng 25.000 thanh niên khởi nghiệp trong và ngoài nước. BSSC đã hỗ trợ toàn diện về vốn, tư vấn, đào tạo, kết nối với đối tác và cộng đồng cho hơn 12.000 dự án khởi nghiệp; hỗ trợ tài chính trực tiếp hơn 203 tỷ đồng cho 1.220 dự án. Ngoài ra, qua các sàn giao dịch và đầu tư khởi nghiệp, BSSC hnỗ trợ kết nối vốn cho gần 700 dự án, với tổng giá trị đầu tư hơn 200 tỷ đồng. |
Hoạt động khởi nghiệp đa sắc màu
Những năm qua, hàng ngàn dự án, ý tưởng của thanh niên TPHCM ở nhiều lĩnh vực đã đem đến những mô hình khởi nghiệp đa sắc màu. Trong số đó, nhiều mô hình khởi nghiệp tiềm năng và đã có những thành công nhất định. Có thể kể đến những mô hình như: Sản xuất nông nghiệp sạch của Lê Văn Tuấn; Giải pháp kỹ thuật Indefol hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Trần Quốc Hiệu; T-Farm, khu vườn trong nhà của Phạm Anh Tuấn; Chuỗi cửa hàng Rau3s của Lê Thị Kim Cương… Góp phần cho các kết quả này là sự đồng hành, hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp thông qua BSSC.
Theo chị Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc BSSC, các bạn trẻ có kiến thức, ý tưởng, nhưng thiếu vốn và kinh nghiệm. Do đó, nhiệm vụ chính của BSSC là hỗ trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp, tạo không gian làm việc chung, xây dựng vườn ươm doanh nghiệp và tổ chức các khóa đào tạo để người trẻ có kỹ năng phát triển dự án, phát triển doanh nghiệp. BSSC còn tổ chức các sàn giao dịch và đầu tư khởi nghiệp, ngày hội khởi nghiệp, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp…, giúp các dự án khởi nghiệp hoàn thiện sản phẩm, quảng bá thương hiệu và tạo cơ hội để họ được tiếp cận trực tiếp với khách hàng, nhà đầu tư.
Gần đây, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, BSSC đã tổ chức nhiều hoạt động như tư vấn về những phương án xử lý, cũng như kết nối nguồn lực để hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua khó khăn.
Từ đó, nhiều dự án, doanh nghiệp đã trụ vững và tiếp tục phát triển. Đó là dự án của Vietnipa của Phan Minh Tiến, không chỉ vượt qua được giai đoạn khó khăn mà còn kỳ vọng mở rộng hơn nữa thương hiệu “Mật dừa nước ông Sáu” về các tỉnh ĐBSCL. Đây là thị trường mà Vietnipa vừa khai thác nguồn nguyên liệu dồi dào, nhằm tăng nguồn thu cho các hộ trồng dừa nước, vừa mở rộng đầu ra, tiếp cận du khách. Hay từ những hỗ trợ của BSSC, Duy Tuấn và cộng sự cũng mạnh dạn hướng đến chinh phục nhiều phân khúc thị trường tiềm năng khác như homestay, khách sạn, nhà máy, trường học và cuối cùng là nhà ở…
“Để các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp trụ vững và tiếp tục phát triển, BSSC xác định, đây là giai đoạn các nhà khởi nghiệp không nên đi một mình, mà phải đi cùng nhau”, chị Nguyễn Thị Diệu Hằng bày tỏ.