Theo Bangkok Post, dự kiến thị trường thương mại điện tử của nước này sẽ tăng từ mức 634 tỷ baht của năm ngoái lên gần 700 tỷ baht vào năm 2024, nhờ vào sự gia tăng đáng kể trong việc đăng ký doanh nghiệp và việc người tiêu dùng áp dụng công nghệ để mua sắm bán lẻ.
Cục Phát triển Doanh nghiệp Thái Lan cho biết, số lượng doanh nghiệp đăng ký thương mại điện tử đã tăng trong 6 năm qua, giá trị vốn đăng ký cũng tăng theo. Tính từ đầu năm đến nay, có 7.393 doanh nghiệp thương mại điện tử đăng ký với số vốn 43,7 tỷ baht, tăng so với 1.713 doanh nghiệp với số vốn 2,27 tỷ baht của năm ngoái.
Theo bà Auramon Supthaweethum, Tổng Giám đốc Cục Phát triển Doanh nghiệp, sự mở rộng nhanh chóng này mang đến cả cơ hội và thách thức. Những ai thích nghi nhanh chóng và khai thác công nghệ có thể tiếp cận lượng khách hàng rộng hơn, thúc đẩy doanh số nhanh chóng và phát triển doanh nghiệp dễ dàng hơn. Ngược lại, các doanh nghiệp tụt hậu có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội và gặp khó khăn trong việc duy trì khả năng cạnh tranh.
Nhận thấy những rủi ro và cả cơ hội này, Chính phủ Thái Lan đã triển khai nhiều dự án khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng và tiềm năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, một chương trình có tên Smart Trader Online được thiết kế để trang bị cho thế hệ doanh nhân mới kiến thức giao dịch trực tuyến, đã được triển khai trong thời gian qua. Chiến lược phổ biến này có lợi cho cả người bán bằng cách tăng doanh số mà không cần đầu tư đáng kể, và những cá nhân không có vốn hoặc sản phẩm, cho phép họ tạo ra thu nhập thông qua bán hàng trực tuyến.
Theo Statista, xét về quy mô nền kinh tế số, Thái Lan đứng thứ hai sau Indonesia. Các nền tảng được ưa chuộng nhất để mua sắm trực tuyến tại Thái Lan là Shopee, Lazada và JD Central, chiếm khoảng 76% người dùng internet trong nước. Facebook đứng thứ hai với khoảng 61,5%. Một cuộc khảo sát được tiến hành vào năm ngoái cho thấy các sản phẩm thời trang như giày dép và quần áo chiếm ưu thế trong các giao dịch mua trên thị trường thương mại điện tử của Thái Lan.
Tuy nhiên, rất nhiều doanh nhân có thể có những sản phẩm tuyệt vời, nhưng lại không có đủ tiền để thuê người có sức ảnh hưởng để quảng bá sản phẩm. Vì vậy, cục trên đã hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop, Shopee, Lazada và NocNoc, cung cấp nhiều khóa đào tạo kỹ thuật số và khóa học nâng cao kỹ năng cho các doanh nhân. Chẳng hạn như: các công cụ và kỹ thuật tiếp thị trực tuyến, chạy chiến dịch bán hàng và xây dựng mạng lưới vững chắc với các thương hiệu và nhà sáng tạo hàng đầu để cải thiện sự tăng trưởng và hiệu suất.
Bên cạnh đó, cục cũng đã nâng cao tiềm năng của các sản phẩm cộng đồng theo khái niệm “Địa phương thông minh” bằng cách phát triển các sản phẩm đặc biệt phản ánh trí tuệ và sự sáng tạo của địa phương, để tăng giá trị kinh tế bằng cách tận dụng các tài sản văn hóa. Cách tiếp cận này cũng nhằm mục đích thúc đẩy sức mạnh mềm của đất nước.