“Kinh nghiệm ký” của ông tổ trưởng
“Ngoài một số nội dung cơ bản của Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND, anh rà lại thông tin cử tri thuộc gia đình mình nha. Coi kỹ giùm tôi chỗ tên lót và ngày, tháng, năm sinh, chỗ này hay bị nhầm lẫn lắm đó”, ông Huỳnh Hải, Trưởng khu phố 5, phường Linh Đông, TP Thủ Đức (TPHCM), tận tình hướng dẫn cử tri Phạm Văn Lợi.
Ông Huỳnh Hải có cuốn sổ được gọi vui là “kinh nghiệm ký”, ghi lại những phát sinh và kinh nghiệm ông đúc rút được suốt 5 nhiệm kỳ tham gia tổ bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND ở địa phương. Sở dĩ làm kỹ vậy, theo ông là do từng xảy ra trường hợp cử tri đề nghị sửa thông tin cá nhân trên thẻ cử tri ngay ngày bầu cử, vì có sai sót. Điều này làm mất thời gian.
Theo quy định, sau khi địa phương niêm yết danh sách cử tri, để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của mình, người dân phải tới nơi niêm yết rà lại thông tin cá nhân. Song, thực tế có không ít trường hợp, vì nhiều lý do khác nhau, không đến kiểm tra, dẫn đến việc phải chỉnh, sửa thông tin ngay ngày bầu cử. Để tránh trường hợp tương tự, ông Huỳnh Hải đã chia sẻ kỹ càng với tổ trưởng các tổ dân phố việc tuyên truyền và cách rà danh sách từng cử tri, đảm bảo thông tin được chính xác.
Đối với công tác chuẩn bị bầu cử, bị động nhất là tình hình biến động cử tri. Từ kinh nghiệm của mình, ông Huỳnh Hải cùng tổ trưởng các tổ dân phố nắm bắt thật kỹ các hộ dân tại địa bàn; kết nối thường xuyên, chặt chẽ với các ban, ngành ở phường, từ đó kịp thời rà soát các trường hợp hiếu hỉ… để cập nhật biến động cử tri. Nhờ vậy mà việc cập nhật biến động cử tri của khu phố 5 diễn ra nhẹ nhàng.
Cũng có trường hợp, đến ngày bầu cử, có cử tri đề nghị cấp phiếu bầu khác vì… đã làm mất. Tình huống này khiến cán bộ của tổ bầu cử lúng túng. Dù quy trình xử lý, cấp lại phiếu không quá phức tạp, nhưng có thể khiến một số thành phần cơ hội lợi dụng, nên ông Huỳnh Hải liên tục đề nghị các gia đình thường xuyên nhắc nhở cử tri kiểm tra phiếu bầu. “Một nhiệm kỳ 5 năm, nếu không ghi lại những vấn đề phát sinh để rút kinh nghiệm thì có thể sẽ bị lặp lại. Vì vậy, mỗi nhiệm kỳ tham gia vào tổ bầu cử, tôi đều ghi lại kỹ những tình huống, vấn đề phát sinh, không chỉ rút kinh nghiệm cho mình, mà còn chia sẻ, để tổ bầu cử khóa sau không gặp phải hoặc bị động trong các vấn đề phát sinh”, ông Hải chia sẻ.
Trách nhiệm với phiếu bầu
Tại tổ dân phố 39, khu phố 3, phường 2, quận 3 (TPHCM), hầu hết thông tin liên quan bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp đã được chuyển tải đến người dân. Một trong những nhân tố tích cực giúp người dân hiểu rõ các quy định về bầu cử, về quyền lợi của cử tri chính là Tổ trưởng Đỗ Thị Hương. Thời gian qua, khi thì ban ngày, lúc thì buổi tối, bà Hương lại đến nhà từng hộ dân để thống kê lại số lượng nhân khẩu, cử tri và hướng dẫn người dân cách rà soát thông tin trên phiếu cử tri sao cho đúng, đủ. Không chỉ người có hộ khẩu thường trú tại địa phương, mà cả trường hợp tạm trú trên 3 tháng cũng được bà Hương thông tin, hướng dẫn đăng ký tham gia bầu cử (tại nơi tạm trú).
Biết chị Tất Nhuận Đào lu bu buôn bán cả ngày, bà Hương chọn lúc gia đình chị Đào xong cơm tối thì đến gặp. Trước là thăm mẹ chị Đào tuổi 80, bị tai biến nằm một chỗ, sau là trao đổi với gia đình chị Đào về thông tin liên quan đến cuộc bầu cử sắp tới. “Nhờ bà Hương, tôi biết mình có thể đi bầu cử sớm hơn giờ khai mạc để không lỡ buổi bán hàng. Bà cũng cho biết, tổ bầu cử sẽ mang thùng phiếu đến nhà để mẹ tôi tự tay bỏ lá phiếu bầu”, chị Đào chia sẻ.
Chị Đào cũng là hộ nhiều năm nay được bà Hương giới thiệu vay vốn ngân hàng chính sách để buôn bán, nhờ đó cuộc sống ngày càng ổn định. Cũng từ sự sâu sát, gần gũi người dân trong tổ, bà Hương nắm cặn kẽ số nhân khẩu, tình hình sức khỏe cũng như thời gian làm việc của từng người để tuyên truyền cách thức bầu cử sao cho thuận tiện nhất. Từng có 5 kỳ tham gia tổ bầu cử, bà Hương càng rõ ràng hơn về cách tuyên truyền, hướng dẫn và đồng hành với cử tri để công tác bầu cử tại khu vực của bà Hương diễn ra thành công.
“30% nhân khẩu trong tổ 39 phải đi làm sớm và về muộn, 4 người già yếu không thể đi lại được, 4 hộ là tạm trú. Không mời được người dân đến các buổi tuyên truyền chung thì mình chịu khó đến nhà họ hướng dẫn, trao đổi. Đa phần người dân trong tổ là lao động chân tay, buôn bán nên mình phải sâu sát một chút để giúp bà con hiểu và có trách nhiệm hơn với lá phiếu bầu của mình”, bà Hương bộc bạch.
Năm nay đã 74 tuổi nhưng bà Đỗ Thị Hương rất tích cực tham gia phong trào tại địa phương, nhất là các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ người già neo đơn, khó khăn. Riêng công tác bầu cử, nhiều nhiệm kỳ qua, bà Hương đều sẵn lòng góp sức. Bà Hương cho biết, đây là ngày hội lớn của cả đất nước, được góp một phần công sức giúp người dân hiểu rõ quyền của mình, giúp ngày hội lớn thành công thì đó là niềm hạnh phúc. |