Còn nhớ cách đây hai năm, phụ huynh muốn tìm suất học cho con vào trường này phải xếp hàng từ giữa đêm. Năm nào cũng xảy ra tình trạng phụ huynh xếp hàng rồi ra về tay trắng do số lượng phiếu đăng ký phát ra không đủ đáp ứng nhu cầu phụ huynh.
Tại TPHCM, dù không diễn ra cảnh chầu chực xếp hàng từ 1-2 giờ sáng, nhưng tại một hệ thống trường tư thục ở quận Bình Thạnh, danh sách chờ xét tuyển vào lớp 1 năm nào cũng quá tải. Nhiều phụ huynh cho biết muốn tìm suất học vào trường này phải đăng ký danh sách chờ từ 2-3 năm trước.
Khoảng 10 năm về trước, trường tư là lựa chọn của số ít người dân có thu nhập cao hoặc học sinh không đủ điều kiện xét tuyển vào trường công lập (không có hộ khẩu thành phố hoặc không đạt yêu cầu về điểm học bạ ở cấp học trước đó). Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, do quá tải sĩ số học sinh/lớp ở trường công, trong khi hệ thống trường ngoài công lập ngày càng chứng minh được chỗ đứng của mình, khiến nhiều gia đình tìm đến các trường tư.
Ngoài các vấn đề liên quan học phí, điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, điều khiến phụ huynh quan tâm nhất khi chọn trường tư là lộ trình phát triển bền vững và ổn định của đơn vị. Nhiều phụ huynh cho biết, quyết định cho con học trường tư luôn đi kèm rủi ro. Trường hợp không thể tiếp tục học ở trường tư, trẻ khó có cơ hội quay lại trường công do nhiều khác biệt về chương trình học, môi trường giáo dục, đặc biệt ở cấp trung học. Vì vậy, không thể phủ nhận hàng loạt ưu điểm nổi trội của trường tư về cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp, chương trình học, nhưng việc lựa chọn trường cho con em là bài toán khó đối với nhiều phụ huynh.
Riêng với bậc mầm non, nhà giáo Trương Song Đức, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng, dù hiện nay mỗi phường, xã được yêu cầu có ít nhất một trường mầm non công lập nhưng vẫn chưa thể giải quyết hết nhu cầu gửi con của người dân do tỷ lệ người nghèo, công nhân lao động trong xã hội còn rất lớn. Do đó, cần nghiên cứu thêm các chính sách hỗ trợ học phí đối với các trường ngoài công lập nếu muốn thu hút thêm phụ huynh gửi con vào hệ thống này.
TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác đang xây dựng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó dành vị trí nhất định cho mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Đây là giải pháp cần thiết trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, tốc độ xây dựng trường lớp chưa theo kịp đà tăng dân số. Song, để các quyết sách phát huy hiệu quả trong thực tế, ngoài các chính sách hỗ trợ học phí, vốn vay đầu tư đối trong các dự án xây trường ngoài công lập, cơ quan quản lý cần “vươn tay” đồng hành tốt hơn trong quá trình hoạt động của các trường ngoài công lập.