Lời giải cho năm khởi động 2023 (và các năm tiếp theo) chính là việc hội đồng sẽ bám sát 2 “định đề” lớn: Nghị quyết 24 về phát triển Đông Nam bộ và Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM của Bộ Chính trị.
Trong đó đặt ra các mục tiêu chiến lược đến năm 2025, 2030 và 2045 cho Đông Nam bộ và TPHCM; định vị TPHCM trong Đông Nam bộ và cả nước; là thành phố hội nhập quốc tế, cạnh tranh quốc tế trong khu vực châu Á và thế giới.
Trong bối cảnh đó, từ năm 2023, 6 hội đồng khối ngành, với đề xuất hội đồng ngành thứ 7 về khoa học sự sống, thông qua đầu mối là Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, sẽ làm việc với hội đồng hiệu trưởng để đưa ra các đầu việc cụ thể liên quan đến nghiên cứu khoa học - công nghệ theo đặt hàng; phản biện chính sách, hiến kế cho các vấn đề phát triển thành phố.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống và liên tục cập nhật từ thực tiễn, các khối ngành với đặc thù chuyên môn cao, từ đội ngũ chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên và lực lượng “giúp việc” là nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên tài năng, sẽ hình thành một tập hợp - phân nhánh để góp ý các vấn đề khoa học cơ bản cũng như nêu giải pháp ứng dụng cho mỗi một đề án, chương trình.
Hai nghị quyết 24 và 31 của Bộ chính trị vừa trải rộng về đa lĩnh vực vừa chuyên sâu các trọng điểm, trọng tâm của đầu tư, phát triển cho khu vực Đông Nam bộ và TPHCM. Do đó, từ các đề án, dự án hạ tầng giao thông đến đầu tư công nghiệp, công nghệ cao; từ khu vực nghiên cứu, đào tạo đến hình thành thị trường lao động, thị trường vùng nguyên liệu - sản xuất - phân phối - tiêu thụ… đều cần được quy hoạch và cấu trúc “phân vai” một cách khoa học, bài bản, cụ thể, có lộ trình kiểm tra - đánh giá - nghiệm thu.
Đặc biệt là sự đón đầu các làn sóng dịch chuyển thị trường lao động mang tính toàn cầu - khu vực - Việt Nam - TPHCM sẽ tái cấu trúc hệ thống đào tạo, tái đào tạo lực lượng lao động mới cho thành phố ra sao; chương trình đào tạo lao động chất lượng cao tương ứng trong bối cảnh chuyển đổi số sắp tới; nhấn mạnh năng lực tự học, khả năng tái bồi dưỡng kỹ năng và xây dựng “chuẩn kỹ năng số tối thiểu” cho thị trường lao động của TPHCM.
Các trường đại học vừa là một cơ sở giáo dục lại vừa là một đơn vị cung cấp dịch vụ cho xã hội. Những vướng mắc, gò bó đã đến lúc được tháo gỡ, đó có thể là: tài chính và huy động nguồn lực tài chính cho cơ sở vật chất các trường đại học, tín dụng cho sinh viên; kết nối nhà trường với doanh nghiệp; giải phóng mặt bằng và quản lý đô thị ở cả khu trung tâm, lẫn các khu ngoại thành; cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học…
Rõ ràng, sau các cuộc tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp - xác định phân khúc đầu ra; đến phiên làm việc, đặt hàng hội đồng hiệu trưởng để định vị nguồn nhân lực lẫn “khách hàng” đầu vào, đã cho thấy bước đi bài bản, nhịp nhàng, vững chắc của lãnh đạo thành phố cùng các quyết sách. Đây là những tín hiệu tích cực, rất đáng ghi nhận từ những ngày đầu tháng 3.