Hỗ trợ toàn diện
Những năm qua, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của nước ta liên tục trải qua những thử thách không nhỏ từ các thị trường xuất khẩu chủ lực, nhất là thị trường Mỹ và châu Âu. Xuất phát từ nhận thức ngày càng cao của thế giới về tác động của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cũng như trách nhiệm của nhân loại trước vấn đề này, các thị trường xuất khẩu liên tục dựng lên những “hàng rào” để ngăn chặn hàng hóa không đạt chuẩn xanh, như: tiêu chuẩn khí thải carbon; quy định về bao bì; hàng loạt tiêu chuẩn về hóa chất; quy định về nguồn gốc bền vững; luật về chất lượng và an toàn sản phẩm; thuế carbon… Và rào cản lớn nhất là CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) đánh vào các ngành thép, nhôm, xi măng, phân bón và sẽ từng bước mở rộng ra các lĩnh vực phát thải carbon cao khác. Nếu không chuyển mình, không đáp ứng được những tiêu chuẩn này thì “cánh cửa” xuất khẩu sẽ đóng sập trước các thị trường lớn!
Trên thực tế, tại nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến yếu tố xanh dành cho sản phẩm nhập khẩu ngày càng nhiều. Điển hình như các sản phẩm xuất nhập khẩu sẽ bị áp thuế tùy vào mức độ đáp ứng về tỷ lệ giảm thiểu chất thải ô nhiễm, khả năng tiết kiệm năng lượng, việc sử dụng nguyên vật liệu sản xuất có ảnh hưởng tới cân bằng sinh thái hay không, các loại bao bì có tái sử dụng được hay không. Bên cạnh đó, một số thị trường còn áp dụng đánh thuế môi trường, thuế tài nguyên lên sản phẩm nhập khẩu. Đặc biệt, nhiều quốc gia còn xây dựng các tiêu chuẩn hàng hóa quy định nghiêm ngặt hàm lượng tài nguyên thô như là một biện pháp bảo vệ môi trường, ngăn chặn khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên… Do vậy, việc nâng cao vị thế doanh nghiệp Việt theo hướng xanh, phát triển bền vững, phù hợp với xu thế phát triển chung của toàn cầu là hết sức cấp thiết.
Đại diện Ban tổ chức Giải thưởng Doanh nghiệp xanh TPHCM năm 2024, Nhà báo Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, cho biết, cùng với hoạt động xét chọn và trao danh hiệu DNX, ban tổ chức đã kiến tạo hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện gồm vốn, thị phần, thương hiệu cho các DNX. Cụ thể, ngay sau khi được trao danh hiệu DNX, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã thiết lập chuyên mục DNX với đa dạng hình thái thể hiện thông tin như tin, bài viết, video clip, talk show… để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu xanh. Ban tổ chức đã tiến hành nhiều buổi ký kết hợp tác toàn diện với các nhà phân phối lớn trên toàn quốc như Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra), Công ty TNHH MM Mega Markert (MM Mega). Theo đó, các nhà phân phối đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các DNX đưa sản phẩm, hàng hóa tiếp cận với người tiêu dùng, gia tăng thị phần tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của DNX trên thị trường trong nước và nước ngoài.
Sẵn sàng cho vay lãi suất ưu đãi
Mới đây, một thông tin rất vui cho cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đến chuyển đổi xanh, đó là việc UBND TPHCM vừa ban hành quyết định số 42/2024 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án được Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) cho vay. Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc HFIC, cho biết, chính sách hỗ trợ vay lãi suất ưu đãi của Nhà nước áp dụng cho các DN trong lĩnh vực ưu tiên phát triển của thành phố gồm sản xuất, chế biến, hạ tầng, lĩnh vực trọng yếu khác. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án thì TPHCM sẽ hỗ trợ lãi suất 100% cho các DN này, với mức cho vay tối đa lên tới 200 tỷ đồng/dự án và thời gian tối đa 7 năm. Những dự án tạo ra động lực phát triển về chuyển đổi xanh cũng được thành phố đưa vào chương trình hỗ trợ. Như vậy, bên cạnh các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển xã hội, các dự án giảm phát thải khí nhà kính cũng được thành phố xem xét, ưu tiên hỗ trợ cho vay.
Trong khi đó, đại diện kênh phân phối quy mô lớn, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op nêu thống kê từ Bộ Công thương: 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh. Điều này cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đã có nhận thức và sự quan tâm ngày càng lớn đến vấn đề bảo vệ môi trường. “Từ góc độ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, tôi đánh giá cao chương trình xét chọn và trao danh hiệu DNX do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức nhằm tìm ra và tôn vinh các doanh nghiệp làm tốt công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, từ đó tạo động lực thúc đẩy kinh tế xanh”, ông Nguyễn Anh Đức nói.
Saigon Co.op là kênh phân phối tích cực hỗ trợ các DNX, đồng thời bản thân Saigon Co.op cũng là đơn vị 2 lần được tôn vinh DNX. Trong kinh doanh, Saigon Co.op đã ngừng sử dụng túi ni lông khó phân hủy và thay vào đó sử dụng 100% túi tự hủy sinh học, túi tái sử dụng nhiều lần; thay thế các sản phẩm như ống hút nhựa, muỗng nhựa… trên kệ hàng bằng sản phẩm có nguồn gốc từ bã mía, giấy, gạo hay các dạng nguyên liệu thân thiện môi trường; vận động nhà cung cấp, đối tác chuyển đổi sản xuất xanh; khuyến khích khách hàng tiêu dùng xanh qua các chương trình khuyến mãi. Từ năm 2010 đến nay, Saigon Co.op kết hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức chương trình “Tiêu dùng xanh” thường niên, góp phần kiến tạo, dẫn dắt thị trường hướng đến lối sống xanh. Không dừng lại đó, Saigon Co.op hỗ trợ doanh nghiệp cung ứng hoàn thiện quy trình sản xuất, tiến tới đạt chứng nhận DNX nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển thương hiệu, mở rộng thị phần trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Trong thời gian tới, thông qua hệ thống bán lẻ trải dài trên toàn quốc, Saigon Co.op tiếp tục tổ chức các chương trình kích cầu nhằm giới thiệu, đưa sản phẩm xanh đến tận tay người tiêu dùng. Đối với DNX, Saigon Co.op khuyến khích và có chính sách hỗ trợ giá bán, chấp nhận lợi nhuận thấp, ưu tiên như vị trí trưng bày, quầy kệ ở vị trí bắt mắt tại siêu thị cho các DNX... để khách hàng dễ tiếp cận.