Từ toa thuốc, đội phản ứng nhanh
Sở Y tế TPHCM vừa cập nhật “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” phiên bản 1.3. Theo đó, người F0 phải đáp ứng các yêu cầu về khả năng tự chăm sóc cũng như đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất có thể được chăm sóc, theo dõi sức khỏe tại nhà.
Trong khi đó, đội hình “Đồng hành cùng F0 khỏi bệnh” gồm 52 y bác sĩ thuộc Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM và lực lượng phản ứng nhanh vừa tình nguyện tư vấn, khám chữa bệnh cho các F0 điều trị tại nhà ở quận Phú Nhuận. Đội hình này sẽ cung cấp thuốc và các trang thiết bị y tế cần thiết cho việc điều trị F0 tại nhà, bao gồm 14 loại thuốc đông - tây y kết hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, đội hình sẽ thực hiện kết nối trực tuyến theo dõi F0 tại nhà, kịp thời tư vấn hướng dẫn các biện pháp cần thiết khi có vấn đề phát sinh.
Theo ông Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM, đội hình sẽ rà soát những trường hợp F0 tại nhà, hướng dẫn người dân tự chăm sóc, theo dõi diễn biến tâm lý và kịp thời hỗ trợ điều trị. Nếu có diễn tiến nặng hơn, đội phản ứng nhanh sẽ hướng dẫn bệnh nhân tới cơ quan y tế gần nhất để điều trị. Dự kiến thời gian tới, Hội Thầy thuốc trẻ sẽ tiếp tục phối hợp với các quận, huyện khác để đồng hành cùng F0 tại nhà.
Đến mô hình chăm sóc F0 tại nhà
Trường ĐH Y Dược TPHCM triển khai mô hình chăm sóc F0 tại nhà ở quận 8, quận 10 và đang mở rộng sang các quận huyện khác. Mô hình có 2 đội: Đội 1 giám sát từ xa và Đội 2 cấp cứu ngoại viện do trường tổ chức, có sự gắn kết với địa phương. Tại quận 10, Đội 1 đã triển khai trên 14 phường với 41 tổ giám sát từ xa. Đội 2 cấp cứu ngoại viện với 20 giường cấp cứu, 8 bác sĩ, 12 điều dưỡng, 8 sinh viên và hộ lý chia làm 3 ca, 4 kíp, làm việc 24/7. Mỗi tổ tư vấn sẽ chăm sóc sức khỏe cho 20 - 30 ca F0. Mỗi 2 - 3 ngày, bác sĩ sẽ chủ động gọi hỏi thăm sức khỏe, khám bệnh, chăm sóc bệnh nhân, không chờ F0 có triệu chứng mới gọi. Về đêm, khi F0 có sự cố sức khỏe thì gọi trực tiếp bác sĩ đang theo dõi cho mình. Khi bệnh nhân suy hô hấp hay có vấn đề khác, Đội 1 sẽ liên hệ Đội 2 đưa F0 về trạm cấp cứu. Nếu F0 sau xử lý ổn định sẽ được đưa về nhà để Đội 1 tiếp tục theo dõi. Trường hợp F0 xử lý xong mà vẫn nặng thì sẽ chuyển lên bệnh viện tầng trên.
Tương tự, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng thành lập mô hình Tổ y tế từ xa, gồm các chuyên gia, y bác sĩ, sinh viên năm cuối của trường nhằm tư vấn từ xa cho F0 cách ly tại nhà. Mô hình đang triển khai tại quận 10 và TP Thủ Đức. Tổ y tế từ xa kết nối với hệ thống y tế địa phương để nắm bắt danh sách F0, phối hợp tham gia khám bệnh tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm, đưa thuốc, theo dõi, tư vấn điều trị từ xa.
Cùng với những kênh, mô hình chính thống đồng hành cùng F0, nhiều tổ chức y tế, bác sĩ uy tín khác cũng tham gia tư vấn, hỗ trợ F0. Điển hình như bác sĩ Trương Hữu Khanh, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, đã lập fanpage tư vấn F0 tại nhà được nhiều người theo dõi. “Ngay từ những ngày đầu khi có người thân trong gia đình mắc Covid-19, nên chuẩn bị sẵn: thuốc hạ sốt, vitamin C, thuốc dành cho những bệnh nhân có bệnh nền mãn tính, đặc biệt nếu chuẩn bị được máy đo nồng độ oxy thì càng tốt. Nhưng quan trọng khi bệnh trở nặng, người nhà cần ổn định tâm lý thật tốt cho bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân tập thở đều, tránh gây hoang mang, lo lắng cho người bệnh. Nếu bệnh nhân thở nhanh trên 30 lần/phút, nồng độ oxy (SpO2) tụt liên tục <93%, gia đình gọi ngay 115 hay 1055 và các đường dây nóng của y tế địa phương để được nhập viện điều trị”, bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý.
Trường hợp F0 xuất hiện các triệu chứng như sốt trên 380C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi/vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở…, cần liên hệ nhân viên y tế bằng cách gọi tổng đài 1022, bấm phím 3 để được tư vấn từ Hội Y học TPHCM hoặc phím 4 để được tư vấn từ các thầy thuốc đồng hành cùng F0. |