Doanh thu nội địa và xuất khẩu đều giảm
Theo số liệu từ hội thảo “Dịch Covid-19: Cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức” do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM vừa tổ chức, trong tháng 2-2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 2% so với cùng kỳ 2019. Đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 103.373 tỷ đồng, giảm 7,1% so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2-2020 giảm 0,18% so với tháng trước, trong đó, 4/11 nhóm giảm, gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,18%); nhóm đồ uống và thuốc lá (-0,83%); nhóm giao thông (-2,8%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (-0,31%).
Thống kê sơ bộ cho thấy, tại TPHCM, ảnh hưởng dịch bệnh đã làm cho lượng khách đến các trung tâm thương mại, siêu thị giảm 40%-50% so với trước. Lượng khách đến các cửa hàng ăn uống vào ngày thường giảm 20%-30%, cuối tuần giảm tới 50%. Doanh thu tại các cửa hàng tiện lợi giảm đến 40%. Khách hàng sụt giảm nghiêm trọng dẫn đến doanh thu cũng bị giảm đáng kể. Tình trạng buôn bán, kinh doanh ở hầu hết các lĩnh vực ế ẩm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến nhiều cửa hàng phải tạm đóng cửa, trả lại mặt bằng hoặc sang nhượng.
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu của TP trong tháng 2-2020 đạt 2.848 triệu USD, giảm 10% so với tháng trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, có 186 dự án với tổng vốn 480 triệu USD. Số DN đăng ký thành lập mới là 4.103DN, tổng vốn đăng ký là 52.512 tỷ đồng. Nếu so với cùng kỳ năm trước, số giấy phép tăng 0,3%, tổng vốn thành lập giảm 42,1%.
Đối với thu chi ngân sách nhà nước, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2020, giảm 3,4% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) chỉ tăng 4,6%. Điều này cho thấy, kinh tế TP kém khởi sắc đã tác động đến nguồn thu và chi của TP.
Bên cạnh đó, các DN sản xuất đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn cung nguyên vật liệu, trong đó, DN các lĩnh vực như ngành điện tử, da giày, dệt may nhiều khả năng phải đóng cửa hoạt động ngay trong tháng tới do thiếu nguyên liệu. Theo số liệu thống kê của Sở Công thương, hiện ngành cao su - nhựa có đến 80% nguyên liệu nhập từ Trung Quốc; ngành dệt may hơn 80% nguyên phụ liệu từ nước này; các sản phẩm keo, đế, da cho ngành da giày cũng nhập khẩu Trung Quốc 70%-75%...
Kiến nghị giảm, giãn thuế DN
Để tháo gỡ khó khăn cho các DN, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu) của các DN, đơn vị hoạt động trên các lĩnh vực nêu trên và lùi thời gian nộp thuế sang quý 3 hoặc quý 4-2020.
UBND TP cũng kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ miễn, giảm 50% thuế giá trị gia tăng; giảm 50% thuế thu nhập DN; giảm 50% thuế nhập khẩu; giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực du lịch trên cơ sở đánh giá thiệt hại do dịch bệnh.
Về chính sách tài chính tín dụng, TPHCM xin Chính phủ cho phép tham gia gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng đã được Chính phủ phê duyệt và đang giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai; giãn thời gian trả nợ đến hạn cho DN và không để DN rơi vào nhóm nợ xấu; thực hiện vay lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất vay đối với các DN hoạt động trong các lĩnh vực nêu trên. Song song đó, UBND TP đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng tỉnh, TP hỗ trợ DN bằng hình thức cho vay lãi suất ưu đãi giảm từ 30% trở lên so với lãi suất cho vay theo quy định thông thường.
Về chính sách bảo hiểm xã hội, TPHCM kiến nghị giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động đang làm việc tại các DN thuộc các lĩnh vực nêu trên (do các DN đang gặp khó khăn về tài chính và tình hình biến động nhân sự); giảm 50% bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho các DN. Đặc biệt, UBND TP cũng đề xuất Chính phủ xem xét, hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm 2020-2021; hoãn nộp tiền thuê đất (miễn lãi suất) sang đầu năm 2021. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công thương bãi bỏ quy định giờ cao điểm bán điện theo khung giờ (9 giờ 30 - 11 giờ 30). Trước mắt, điều chỉnh giảm 50% giá điện giờ cao điểm trong các tháng 3, 4 và 5.
Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, mặc dù Chính phủ đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc; UBND TPHCM có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhưng viện sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều buổi tọa đàm, hội thảo để lắng nghe, nắm bắt những khó khăn, đề xuất của DN trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc đánh giá tác động của dịch bệnh đến kinh tế - xã hội là một công tác rất cần thiết để các nhà hoạch định chính sách có thể nhìn nhận và đánh giá mức độ nghiêm trọng của nó. Từ đó, kịp thời xây dựng kế hoạch và chương trình hành động nhằm duy trì, đảm bảo tình trạng ổn định của nền kinh tế. |