Trước đó không lâu, hình ảnh một nữ sinh lớp 6, Trường THCS Minh Đức (quận 1) bám lấy thành tường, treo lơ lửng trên tầng cao vì gặp chuyện buồn ở gia đình cũng khiến nhiều người một phen hốt hoảng. Rất may em học sinh này đã được bảo vệ nhà trường nhanh trí ứng cứu.
Câu hỏi được đặt ra, liệu các thầy, cô giáo - những người đồng hành cùng học sinh 8 giờ/ngày ở trường đã quan tâm học sinh đúng cách? Cách giao tiếp giữa giáo viên và học sinh hiện nay có vấn đề gì không, và sẽ ra sao nếu những trường hợp đáng buồn nói trên là học sinh, con em, người thân của chính đội ngũ những người đang làm công tác sư phạm?
Hiện nay, điều khiến những người làm công tác sư phạm trăn trở là điều gì đã xáo động những tâm hồn non trẻ kia? Vì sao cái chết có “ma lực” quyến rũ các em đến thế? Hàng loạt nguyên nhân đã được các chuyên gia tâm lý chỉ ra như áp lực từ việc học, thiếu sự quan tâm từ gia đình, bạn bè, môi trường học đường ngày càng dễ kết bạn nhưng các em khó giao tiếp được với nhau, cảm thấy cô đơn vì thiếu sự chia sẻ.
Độ tuổi cấp III, ca dao Việt Nam gọi đó là tuổi “ăn chưa no - lo chưa tới” nhưng nhận thức của thế giới vào năm 2021 gọi các em là “Thế hệ Z” (Gen Z) - thế hệ được làm quen với công nghệ từ nhỏ và vô cùng thân thuộc với internet và mạng xã hội. Một trong những điểm tốt nổi bật của sự tiếp xúc sớm này là sẽ góp phần tạo nên một thế hệ cởi mở và nhanh nhạy với thông tin hơn. Giờ đây, chỉ bằng một cú chạm nhẹ vào ứng dụng Facebook, TikTok hay YouTube, các em có thể dễ dàng biết được mọi thứ đang diễn ra ngoài kia, bạn bè mình đang làm gì, có trào lưu nào mới, bài nhạc nào đang thịnh hành... Nhưng đồng thời, chính sự dễ dàng truy cập này lại là nguyên do chính tạo nên sự hoang mang và dễ lạc lối của học sinh. Những tin tức tiêu cực không phù hợp lứa tuổi có thể tạo nên những khủng hoảng tâm lý, dẫn tới hành động bộc phát hậu quả lớn như bỏ nhà đi hay tự tử.
Trải qua nhiều năm giảng dạy môn học kỹ năng sống cho học sinh THPT (lứa tuổi 15-18), tôi có cơ hội được lắng nghe và tham gia định hướng cho các em trong nhiều câu chuyện tâm lý. Tôi gần như không thể quên câu chuyện của một em học sinh nữ, nửa đêm hoảng loạn nhắn tin nói rằng em nghĩ mình có thai. Sau khi gặng hỏi, tôi được biết em chưa dùng que thử thai để kiểm chứng và cũng không biết phải dùng như nào. Em rất sợ hãi sau khi đọc những bài chia sẻ trên mạng xã hội, và thấy tương lai mình hoàn toàn đen tối. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy việc các em dễ dàng tiếp cận một luồng thông tin lớn vô cùng trên internet, nhưng khi gặp phải tình huống thực tế thì rất dễ rơi vào hoảng loạn và không biết cách nào xử lý. Đó thực sự là một khoảng trống lớn trong tâm lý của các em mà gia đình, nhà trường cần dành nhiều thời gian hơn, nhiều quan tâm và bao dung hơn để thấu hiểu các em.
Dựa trên những trải nghiệm cá nhân, tôi cho rằng chính sự cởi mở và thái độ “như một người bạn” các thầy cô giáo tạo ra giữa mình và học sinh là điểm đặc biệt khiến các em tin tưởng tìm đến để tâm sự, chia sẻ những vấn đề thầm kín. Nhiều em chia sẻ về hoang mang trong việc chọn ngành nghề theo học, không ít em thắc mắc về những vấn đề giới tính, có em thì kể về những bi kịch gia đình, tìm đến các thầy cô khi các em sợ hãi và bơ vơ nhất. Học sinh của chúng ta hiện nay, dù các em nhìn bên ngoài rất ổn và dường như mọi thứ đều tốt đẹp nhưng vẫn luôn có những góc khuất muốn chia sẻ nhưng lại không biết chia sẻ cùng ai. Lâu dần, những thắc mắc, những tiêu cực nhỏ đó tích tụ và tạo nên những bồng bột khó lường, như những câu chuyện buồn xảy ra gần đây.
Trên con đường trở thành những người trưởng thành tử tế, các em học sinh cần lắm sự đồng hành của các thầy cô giáo. Ở đó, đồng hành không chỉ là việc truyền thụ tri thức mà còn là định hướng, hỗ trợ và dìu dắt các em vượt qua những trở ngại tâm lý, khó khăn trong quá trình học tập. Và trên bước đường đồng hành đó, các bậc cha mẹ hãy cùng với các thầy cô giáo trở thành chỗ dựa, điểm tựa cho học sinh phát triển cả kỹ năng lẫn nhân cách để niềm vui nhân lên, cô đơn được lấp đầy và không học sinh nào bị bỏ lại.