Lấy phụ huynh làm trung tâm
Gần đây, trên mạng xã hội, một tài khoản mang tên T.C.A. với hơn 52.000 lượt theo dõi thường xuyên quay các video chữa bệnh cho trẻ tự kỷ. Nội dung các đoạn video đăng tải câu chuyện trẻ mắc bệnh đến thăm khám, được “thầy lang” truyền năng lượng và cam kết sau 3 buổi sẽ nói được vài từ cơ bản như: “ạ”, “ông”; nhiều trẻ hiếu động “quậy tanh bành” sau khi thăm khám đã chịu ngồi yên, ngoan ngoãn. Vị “thầy lang” này cũng khẳng định chữa khỏi trẻ tự kỷ và được nhiều phụ huynh cảm ơn.
Trong một vài video khác, “thầy” thăm hỏi rồi chẩn đoán trẻ tự kỷ do sao Phục Minh, Địa Kiếp và Phong Thần chiếu vào thân, rất xấu, phải giải hạn gấp cho cả mẹ lẫn con. Những video này luôn được sự quan tâm của nhiều phụ huynh có con mắc tự kỷ, nhiều video có tới 300.000 lượt xem…
Theo ThS Hoàng Văn Quyên, Phó trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi đồng 1, các video chữa được trẻ tự kỷ đều phản khoa học và mang tính chất lừa đảo. Để chẩn đoán trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ, phụ huynh cần đưa trẻ đến các bệnh viện hoặc trung tâm can thiệp có các chuyên gia ở nhiều chuyên môn, như: bác sĩ tâm lý, bác sĩ nhi khoa, bác sĩ nội thần kinh... Ngoài ra, cần có các chuyên viên như: trị liệu, âm ngữ trị liệu, giáo dục đặc biệt, tâm lý lâm sàng...
Nếu trẻ được chẩn đoán tự kỷ, quá trình can thiệp cần nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau cùng phối hợp, tuy nhiên phụ huynh sẽ là người thầy xuyên suốt, ảnh hưởng lớn nhất tới trẻ.
ThS Hoàng Văn Quyên cho biết: “Chúng tôi rất quan trọng việc mời phụ huynh vào lớp can thiệp để được chuyên viên hướng dẫn thực hành từng động tác, kỹ thuật ngay trên con mình. Phụ huynh cũng cần được cung cấp chương trình can thiệp cụ thể theo mục tiêu can thiệp thông minh và các công cụ hỗ trợ để đem về nhà nghiên cứu thực hành với trẻ trong môi trường tự nhiên và nơi công cộng”.
ThS Hoàng Văn Quyên khuyến cáo, nếu trung tâm nào không cho phụ huynh vào cùng, trực tiếp nhìn thấy trẻ mà chỉ cho nhìn qua màn hình camera thì phụ huynh nên cân nhắc, bởi trẻ gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, rất cần phụ huynh theo sát. Nếu phụ huynh không biết cách hỗ trợ, không có công cụ trực quan thì trẻ rất khó tiến bộ.
Cần được can thiệp sớm
Theo bà Phạm Thị Kim Tâm, Chủ tịch Mạng lưới tự kỷ Việt Nam, hiện có rất nhiều phương pháp can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, như: can thiệp sớm, chương trình quản lý hành vi, giảng dạy bằng tranh ảnh… Trong đó, phương pháp giảng dạy bằng hình ảnh đang được áp dụng nhiều nhất trên thế giới. Ngoài ra, phương pháp giáo dục tập trung vào các điểm mạnh của trẻ (tính toán, hội họa, âm nhạc, thể thao…) để phát triển các kỹ năng khác cũng được sử dụng nhiều. Khi trẻ đạt khoảng 70%-80% giống trẻ phát triển điển hình, phụ huynh có thể cho trẻ ra môi trường trường học hòa nhập để giúp trẻ phát triển toàn diện, gần gũi với các bạn bình thường hơn. Tuy nhiên, lúc này, trẻ chỉ cần đạt mức 5-6 điểm trong các bài kiểm tra văn hóa đã có thể gọi là “hòa nhập” được, phụ huynh không nên kỳ vọng trẻ có sức học như trẻ không tự kỷ.
Bà Phạm Thị Kim Tâm thông tin, nhìn chung, các trung tâm công lập có nhiều ưu điểm, được trang bị cơ sở vật chất đạt chuẩn, học phí thấp, nhưng thường nhận trẻ đa tật, không hoàn toàn chuyên về tự kỷ và nhiều khi thiếu nhân sự nên hiệu quả chưa đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Nếu lựa chọn trường tư, phụ huynh phải chi trả mức học phí cao trong thời gian dài. Những trường tư tốt sẽ thiết kế chương trình sát với trẻ, có thể giúp trẻ phát triển hiệu quả.
“Để chọn 1 trung tâm tốt cho con, trước tiên trung tâm này phải được cấp giấy phép, được sự giám sát của một hay nhiều cơ quan chức năng; có cơ sở vật chất cho trẻ học tập, ăn uống, nghỉ trưa tốt. Quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên có bằng cấp, chuyên môn, kiên nhẫn, thương yêu trẻ. Nếu phụ huynh thấy đi học về trẻ vui vẻ, tiến bộ thì đó là trung tâm phù hợp”, bà Phạm Thị Kim Tâm nêu ý kiến.
Theo ThS Hoàng Văn Quyên, phụ huynh cần bình tĩnh, chấp nhận, dấn thân đồng hành cùng con; can thiệp càng sớm thì tỷ lệ thành công càng lớn. Nhiều bé được can thiệp kịp thời và đúng cách đã có thể đi học tiểu học, THCS, THPT cùng các bạn bình thường và khá tự tin. |