* PHÓNG VIÊN: Xin ông cho biết đánh giá bước đầu về công tác phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh thời gian qua?
* Ông ĐỒNG VĂN THANH: Với đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 từ cuối tháng 4-2021, Hậu Giang đã tập trung, nỗ lực triển khai nhiều biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh. Đến ngày 8-7, Hậu Giang đã ghi nhận ca mắc đầu tiên tại tỉnh. Thời điểm hiện tại, toàn tỉnh ghi nhận khoảng 1.000 ca mắc, đã điều trị khỏi trên 600 ca. Cao điểm trong tháng 10, tình trạng người về từ ngoài tỉnh số lượng tăng cao: Từ ngày 1-10 đến trung tuần tháng 10, Hậu Giang đã tiếp nhận hơn 13.000 người về từ ngoài tỉnh, trong đó đã ghi nhận có 334 trường hợp dương tính với Covid-19.
Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang với nguồn lực, ngân sách còn hạn hẹp, điều kiện về y tế như cách ly, xét nghiệm và điều trị còn hạn chế nhưng với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, toàn hệ thống chính trị đã nỗ lực quyết tâm trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hậu Giang đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm kiểm soát dịch hiệu quả, đảm bảo an sinh, ổn định đời sống người dân.
Hiện tỉnh đang tập trung quyết liệt tiêm vaccine Covid-19 cho người dân. Đến thời điểm hiện tại, số người dân Hậu Giang đã được tiêm vaccine trên 200.000 người, đạt tỷ lệ 40% trên tổng dân số tỉnh Hậu Giang từ 18 tuổi trở lên (536.163 người). Dự kiến cuối tháng 10, tỉnh Hậu Giang sẽ đạt chỉ tiêu trên 70% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine Covid-19.
Nhìn chung, qua thực tiễn diễn biến tình hình và công tác chống dịch thời gian vừa qua, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội và trong tình hình mới tại tỉnh Hậu Giang cho thấy công tác phòng chống dịch tại Hậu Giang đang đi đúng hướng, góp phần kiểm soát dịch hiệu quả. Cùng với đó là sự hỗ trợ tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị ủng hộ công tác phòng chống dịch của tỉnh.
Hướng tới, Hậu Giang sẽ tập trung, linh hoạt các biện pháp phòng chống dịch nhằm thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, giảm số ca mắc, tăng số ca điều trị khỏi, cố gắng khống chế, không để bệnh nặng và tử vong. Tỉnh chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động rà soát kế hoạch, phương án đảm bảo thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
* Ông đánh giá thế nào về tác động của dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương?
* Do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế tỉnh Hậu Giang đã và đang chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực, có 1.230 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, chiếm 45% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, có 550 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, có trên 2.800 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, có trên 40.000 lao động phải tạm ngừng việc.
Nhìn chung, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đều bị ảnh hưởng nặng nề. Tác động của dịch Covid-19 với doanh nghiệp ở một số ngành đặc biệt lớn như may mặc, sản xuất thiết bị điện, sản xuất vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, bất động sản, nông nghiệp, thủy sản. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận khách hàng, bị ảnh hưởng về dòng tiền và nhân công, người lao động của doanh nghiệp. Chuỗi cung ứng sản xuất của nhiều doanh nghiệp đã bị gián đoạn.
Do đó, một số doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư. Một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc hoặc không thể ra nước ngoài tiến hành các hoạt động giao thương theo kế hoạch. Nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí chấm dứt hoạt động do tình hình dịch bệnh và hoạt động cầm chừng bởi thị trường giảm cầu đột ngột…
Trong 18 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 thì một số tiêu bị ảnh hưởng nặng nề nhất và dự báo khó đạt theo kế hoạch, đó là tăng trưởng kinh tế; cơ cấu kinh tế; tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chỉ tiêu về xuất nhập khẩu.
* Phục hồi sản xuất đang là một yêu cầu cấp bách, Hậu Giang sẽ làm gì để đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp?
* Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thì có nới lỏng nhiều, vấn đề đi lại gần như bình thường. Lãnh đạo tỉnh sẽ cùng phối hợp với doanh nghiệp để phê duyệt phương án sản xuất.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang khẳng định luôn trên tinh thần ủng hộ doanh nghiệp, những vấn đề khó khăn đề nghị doanh nghiệp trao đổi thẳng với các sở, ngành chuyên môn và Thường trực UBND tỉnh luôn sẵn sàng lắng nghe doanh nghiệp đóng góp ý kiến, tỉnh sẽ đồng hành và sớm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Cùng với cả nước, Hậu Giang đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, nghiêm ngặt để kiểm soát dịch và đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới. Để nền kinh tế phục hồi nhanh, bền vững, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch các chỉ tiêu đã đề ra, tạo nền tảng tăng trưởng vững chắc cho những năm tiếp theo; UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về phục hồi sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó, đề ra 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp thực hiện trong 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ ngày ban hành kế hoạch đến ngày 31-12-2021 và giai đoạn 2 từ 1-1-2022 trở đi. Có định hướng mở cửa các hoạt động kinh tế, cho phép mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh được hoạt động khi đảm bảo các điều kiện an toàn phòng chống dịch.
* Để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021, nhất là các chỉ tiêu chưa đạt hoặc đạt thấp, tỉnh đề ra giải pháp gì trong những tháng cuối năm?
* Để phục hồi nền kinh tế, UBND tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu: GDP tăng trưởng từ 4,45%- 6,5%; thu nhập bình quân đầu người 57 triệu đồng/người; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 800 triệu USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 16.900 tỷ đồng; tổng thu nội địa 4.010 tỷ đồng.
Hậu Giang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu cuối năm giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt từ 95%-100% kế hoạch. Tập trung vào doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực có khả năng dẫn dắt, tạo động lực phục hồi nhanh, bền vững cho nền kinh tế; bảo đảm phù hợp với phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên trong các nhiệm vụ đột phá của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang, nhiệm kỳ 2020-2025.
Những giải pháp tập trung cần làm ngay, linh động, thận trọng nhưng không cứng nhắc, vừa làm vừa nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện nhanh nhất cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh sớm quay lại với hoạt động sản xuất kinh doanh. Cho phép mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh được hoạt động khi đảm bảo các điều kiện an toàn phòng chống dịch Covid-19. Việc mở cửa thực hiện có lộ trình, tăng dần tỷ lệ.
Thực hiện quản lý bằng quy định chung, không ban hành thêm các loại giấy phép con. Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho sản xuất doanh nghiệp. Thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19; Nghị quyết 105 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Đến giữa tháng 10-2021, Hậu Giang đã giải quyết hồ sơ hỗ trợ cho 10 nhóm theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, qua đó hỗ trợ 2.457 doanh nghiệp, hộ kinh doanh và 87.740 người lao động với tổng số tiền 91,64 tỷ đồng. |