Ưu tiên dùng hàng Việt
Kể từ khi được phát động năm 2009 tới nay, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã vượt qua câu chuyện về phương thức hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đạt được nhiều hiệu quả tích cực cho nền kinh tế. Báo cáo được Bộ Công thương đưa ra tại Gala 15 năm ngành công thương triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức mới đây cho thấy, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ 2009 đến nay liên tục đạt mức tăng trưởng trên dưới 10% so với năm trước; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát 19,8% năm 2008 đã giảm xuống dưới 5% từ năm 2014 đến nay. Đặc biệt là tỷ lệ nhập siêu giảm, tiến tới xuất siêu liên tục từ năm 2016; hàng Việt tại các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khá cao, trên 80% tại các siêu thị và từ 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống…
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, thông qua cuộc vận động đã giúp người tiêu dùng (NTD) trong và ngoài nước nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) Việt và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Các DN Việt Nam nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thị trường trong nước, từ đó chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, phương thức kinh doanh và xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu. Cách tiếp cận thị trường của DN cũng bài bản, hiệu quả hơn. Vì vậy, NTD trong và ngoài nước ngày càng đánh giá cao chất lượng, uy tín thương hiệu hàng Việt Nam.
Là đơn vị đồng hành, gắn bó mật thiết với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” suốt 15 năm qua, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nhận định, sự phát triển của hàng Việt, sự chuyển mình của DN Việt là lẽ tự nhiên, sự tâm huyết và tinh thần tiên phong trong bối cảnh hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Với đơn vị bán lẻ như Saigon Co.op đã có bước chuyển mình rất lớn mà cuộc vận động đem lại. “Cuộc vận động là bước chuyển mình rất lớn của hàng Việt, là ý thức trách nhiệm của DN cũng như NTD suốt thời gian qua”, ông Đức đánh giá. Tác động thứ nhất liên quan nền sản xuất và đặc biệt là sản xuất của các DN FDI tại Việt Nam. Nếu như trước đây, họ vào Việt Nam ồ ạt khiến tỷ lệ hàng sản xuất trong nước và hàng ngoại có chênh lệch lớn, thì sau khi cuộc vận động được hưởng ứng mạnh mẽ, DN FDI đã sản xuất cho nhu cầu trong nước từ chính nhà máy ở Việt Nam. Tác động thứ hai là cụm từ “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã vượt xa khỏi phạm vi lãnh thổ Việt Nam, thể hiện qua số lượng hàng Việt được xuất ra thị trường quốc tế… Điển hình ở đây là 2 mặt hàng gạo, cà phê thông qua mạng lưới liên doanh của Saigon Co.op đã trở thành loại nông sản được NTD ở các thị trường nước ngoài ưa chuộng. Tác động thứ ba là xu hướng của các DN Việt trước cuộc vận động chỉ chú trọng thị trường quốc tế. Tuy nhiên, 5 năm gần đây đã có làn sóng DN quay lại thị trường trong nước. Điều này thể hiện sự phát triển của thị trường trong nước đã đạt mức cao hơn và đáp ứng được yêu cầu chuẩn hóa của thị trường quốc tế.
Cam kết đồng hành
Theo ông Nguyễn Anh Đức, quá trình đồng hành của Saigon Co.op với hàng Việt không chỉ 15 năm mà thực tế dài hơn. Saigon Co.op được thành lập từ năm 1989 và đến năm 1998 đã bắt đầu tổ chức chương trình “Tháng hàng Việt Nam chất lượng cao” trong hệ thống. Ở thời điểm đó, thị trường bán lẻ còn sơ khai và ý thức thực hiện cuộc vận động đã hình thành trong tập thể cán bộ nhân viên Saigon Co.op. Sau 12 năm thực hiện “Tháng hàng Việt Nam chất lượng cao”, năm 2010, Saigon Co.op đổi tên thành “Tháng tự hào hàng Việt” và thực hiện xuyên suốt vào tháng 8 hàng năm. “Là đơn vị thuần Việt, do người Việt xây dựng và vì người Việt phục vụ, không có lý do gì mà chúng tôi không gắn bó với hàng Việt trong suốt quá trình hình thành, phát triển của Saigon Co.op. Đến nay, hàng Việt đã ăn vào “máu thịt” của tập thể những người lao động Saigon Co.op và là động lực phát triển của Saigon Co.op”, ông Nguyễn Anh Đức khẳng định.
Với phương châm đó, tỷ lệ hàng Việt luôn đạt hơn 90% trong mạng lưới hơn 800 điểm bán của Saigon Co.op là Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Co.op Smile, Cheers 24h, SC Vivo City, Sense City, SenseMarket... Saigon Co.op cũng ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với các cơ sở sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo cơ hội quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh. Các hợp tác xã trên cả nước được Saigon Co.op tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiêu thụ hàng hóa trong hệ thống siêu thị với sản lượng và doanh thu tăng trưởng từ 10%-15% mỗi năm...
Trong bối cảnh thị trường bán lẻ cạnh tranh ngày càng khốc liệt và NTD ngày càng chú trọng đến các sản phẩm thân thiện môi trường, Saigon Co.op đã nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng phát triển bền vững. Một trong những bước đột phá quan trọng của Saigon Co.op là việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu chất thải và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, chiến lược phát triển dài hạn của Saigon Co.op cũng hướng tới việc thúc đẩy các sản phẩm dịch vụ thân thiện với môi trường. Hệ thống không ngừng tìm kiếm các đối tác cung cấp các sản phẩm xanh, sạch và an toàn, đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào các chương trình nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho khách hàng và cộng đồng.
Trong chặng đường sắp tới, Saigon Co.op khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ hàng Việt bằng chính sách ưu tiên trưng bày quảng bá, triển khai các chương trình kích cầu mua sắm, giúp hàng Việt đến gần hơn với NTD. Đồng thời, giúp hàng Việt mở rộng thị phần ra quốc tế thông qua việc hợp tác với đối tác liên doanh NTUC FairPrice - một HTX tiêu biểu của Singapore và Công ty STC Natural Vina, đại diện thương mại thuộc tập đoàn bán lẻ danh tiếng Hee Chang Group của Hàn Quốc.