Đồng hành chăm lo đời sống công nhân, người lao động - Bài 1: “Sống mòn” trong khu trọ

LTS: Đông Nam bộ là khu vực có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước trong nhiều năm qua, với hình ảnh quen thuộc là các khu công nghiệp đua nhau mọc lên, thu hút đông công nhân, người lao động đến làm việc, kéo theo sự nở rộ của các khu nhà trọ đông đúc, chật chội. Vì vậy, cùng với các chính sách về tiền lương, đào tạo nghề, thì chính sách an sinh cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp cũng hết sức bức thiết.  

Sau những giờ làm việc mệt nhọc trong các nhà máy, xí nghiệp, hầu hết công nhân các khu công nghiệp (KCN) ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương lại trở về căn phòng trọ lo nấu nướng, giặt giũ, nghỉ ngơi. Phần lớn họ đã quen với cảnh căn phòng chật hẹp, thiếu sáng, thiếu vệ sinh cùng những bữa ăn đạm bạc.  

Khu nhà trọ gần KCN Long Bình, phường Long Bình, TP Biên Hòa là nơi sinh sống của hàng chục công nhân
Giật gấu vá vai

Tháng 5, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi ghé thăm một khu nhà trọ  nằm trên đường số 1 (trong KCN Đồng An, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương). Khu nhà mái tôn nóng hầm hập với 81 phòng được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp, hẻm vào chỉ rộng hơn 1m. Hồ Thị Như Quỳnh (20 tuổi, quê Hà Tĩnh) bồng con trên tay, nhìn chúng tôi với vẻ dò xét. “Vợ chồng tôi mỗi tháng tổng thu nhập khoảng 20 triệu đồng, chủ yếu từ tiền lương, phụ cấp làm chuyền trưởng của chồng tôi ở công ty may. Riêng tôi, bữa làm bữa nghỉ để ở nhà trông 2 đứa con. Tiền sữa cho con, tiền thuê trọ, điện, nước, trả nợ góp và đủ thứ linh tinh khác nên thu nhập tháng nào hết tháng đó”, Như Quỳnh bộc bạch khi chúng tôi hỏi thăm về đời sống công nhân. Chồng chị Quỳnh (anh Trương Hữu Đông, 32 tuổi) đã vào Bình Dương làm việc hơn 10 năm, nhưng từ khi cưới nhau đến nay, ngoài chiếc xe máy đáng giá nhất, gia đình chẳng mua sắm thêm được gì, chưa kể đang gánh món nợ 60 triệu đồng vay nóng để nuôi con, chi phí sinh hoạt trong những ngày giãn cách xã hội do dịch Covid-19 vừa qua. 

Cách đó không xa, căn phòng trọ của chị Nguyễn Thị Hựu (34 tuổi, quê Nghệ An, làm công nhân may trong KCN Đồng An) chỉ rộng chưa tới 10m2, là nơi gắn bó với chị và con gái hơn 15 năm nay. Chị cho biết: “Tôi thuộc diện có thâm niên lâu năm trong công ty, nhưng thu nhập hiện chỉ hơn 8 triệu đồng/tháng. Từ khi ly hôn chồng năm 2015 đến nay, cuộc sống của 2 mẹ con càng khó khăn. Con gái đau ốm liên miên, tiền thuốc thang, tiền trường học chiếm hơn nửa thu nhập nên dù sinh hoạt vô cùng tiết kiệm vẫn phải thường xuyên vay mượn, giật gấu vá vai”.

Rời khu nhà trọ ở TP Thuận An, chúng tôi tới một khu nhà trọ trên địa bàn phường Tân Bình, TP Dĩ An. Khung cảnh đập vào mắt chúng tôi là các căn nhà trọ thấp lè tè, lợp mái tôn nóng bức. Đang nhặt rau chuẩn bị bữa cơm chiều, chị Lê Thị Thiện (46 tuổi, quê Thanh Hóa, công nhân Công ty Chutex, TP Dĩ An, Bình Dương) tâm sự: “Tôi làm ở công ty hơn 20 năm, tổng thu nhập mỗi tháng khoảng 12 triệu đồng, cuối năm được thưởng thêm lương tháng 13. Mấy năm gần đây chi phí sinh hoạt tăng cao liên tục nên thu nhập chỉ đủ sống và nuôi con”. Khi được hỏi sau hơn 20 năm đi làm, tài sản mua sắm, tiết kiệm được bao nhiêu, chị Thiện gượng gạo: “Có tiết kiệm được gì đâu, ngoài chiếc xe máy mua 5 năm trước và mấy chỉ vàng để dành cho con, hiện tôi không chồng, không nhà, không của cải đáng giá, trong khi đã sắp đến tuổi về hưu”.

Bình Dương hiện có 602.466 phòng trọ cho thuê, nhưng số nhà trọ đạt chuẩn chỉ khoảng hơn 10%, còn lại đều thiếu không gian công cộng, thiếu hệ thống thông gió, ánh sáng, chưa đảm bảo phòng cháy chữa cháy,  thoát hiểm... UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 28-3-2018 về việc khuyến khích phát triển loại hình nhà cho thuê sang thực hiện chính sách nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, có giá cho thuê theo khung giá do UBND tỉnh ban hành.

Cuộc sống tạm bợ


Nếu TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai được mệnh danh là thành phố công nghiệp của Việt Nam, thì phường Long Bình cũng xứng đáng được ghi nhận là phường công nghiệp vì gần 2 KCN lớn là Biên Hòa 1 và Biên Hòa 2 với hàng ngàn công ty, xí nghiệp, kéo theo hàng loạt khu nhà trọ mọc lên dày đặc. Chúng tôi đến khu nhà trọ hơn 30 căn phòng cho công nhân thuê trên đường Bùi Văn Hòa thuộc phường Long Bình. Khu trọ ẩm thấp, các căn phòng chỉ rộng chừng 15-20m2 đã xuống cấp, vừa là chỗ ngủ, bếp ăn và nhà vệ sinh. 

Ghé thăm phòng trọ của vợ chồng anh Huỳnh Văn Tuấn (30 tuổi, quê tỉnh Bạc Liêu), trong phòng chẳng có vật dụng gì đáng giá, ngoài tấm nệm cũ nằm ngủ và một số đồ sinh hoạt. Anh Tuấn cho biết, năm 2021, vợ chồng anh làm công nhân ở thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương), nhưng do dịch Covid-19 kéo dài nên phải về quê ở Bạc Liêu tránh dịch. Sau khi hết giãn cách xã hội, vợ chồng lên Đồng Nai xin làm công nhân cho một công ty sản xuất, chế biến gỗ ở KCN Long Bình, lương 6 triệu đồng/tháng. “Chi tiêu cho ăn uống, trả tiền nhà trọ, đồ dùng sinh hoạt, không còn dư đồng nào. Ngót nghét đã 12 năm nay, vợ chồng tôi quẩn quanh với công việc làm thuê và phải sống trong các căn phòng trọ chật chội, thiếu thốn đủ đường”, anh Tuấn kể. 

Cùng dãy trọ với vợ chồng anh Tuấn là vợ chồng chị Lê Thị Mơ (29 tuổi, quê Long An), rời quê lên Đồng Nai đã hơn 10 năm, bươn chải qua đủ thứ nghề. “Phụ hồ khổ quá, vợ chồng tôi xin vào nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, lương 7 triệu đồng/tháng. Vị chi thu nhập cả 2 vợ chồng được 14 triệu đồng, nhưng trả tiền thuê nhà trọ, nuôi 2 con nhỏ nên chi tiêu dè sẻn, sợ nhất là đau ốm nghỉ làm, phải vay lãi nóng mới có tiền khám bệnh. Cuộc sống tạm bợ, đắp đổi qua ngày”, chị Mơ ngậm ngùi. 

TPHCM có khoảng 2,2 triệu công nhân nhập cư; chỉ tính riêng công nhân Công ty PouYuen (quận Bình Tân) đã có gần 100.000 người. Nằm sâu trong dãy nhà trọ ở đường Tây Lân (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân), căn phòng của chị Vũ Thị Trà vẻn vẹn 16m2, là nơi sinh hoạt của cả gia đình 4 người. Chị vào làm công nhân Công ty PouYuen từ năm 2005, còn chồng làm thợ sắt. Chị Trà tâm sự: “Đứa con lớn năm nay học hớp 9, đứa nhỏ mới 4 tuổi. Nếu công việc đều, mỗi tháng 2 vợ chồng thu nhập 15 triệu đồng, phải chắt chiu lắm mới đủ trang trải cuộc sống”. Cuộc sống tạm bợ của gia đình chị Trà cũng là tình cảnh chung của nhiều công nhân nơi chị đang làm việc, và là nỗi niềm  của hàng ngàn công nhân hiện  nay đang “sống mòn” trong các khu nhà trọ tại TPHCM.

Tin cùng chuyên mục