Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Ngăn ngừa “cài cắm” lợi ích nhóm vào quy phạm pháp luật

LTS: Tiếp tục diễn đàn góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý và đông đảo ý kiến người dân quan tâm. Báo SGGP xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Luật gia TRƯƠNG ĐÌNH, quận Gò Vấp, TPHCM: Nghiêm cấm sửa luật để hợp thức hóa vi phạm

Đất là tài nguyên và nguồn lực quan trọng nhất để phát triển nền kinh tế - xã hội. Trong thời gian qua, tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai xảy ra kéo dài, ở nhiều địa phương và chiếm tỷ lệ rất lớn trong các vụ tranh chấp khiếu kiện, gây bức xúc xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, tham nhũng đất đai xuất phát từ lợi dụng các kẽ hở trong thực thi chính sách đất đai đã khiến nhiều người từng giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Chính phủ, bộ, ngành và địa phương trở thành tội phạm, gây thất thoát nguồn lực lớn về đất đai cho phát triển của đất nước. Do vậy, cần phải sửa đổi Luật Đất đai để đảm bảo không còn kẽ hở dẫn đến trục lợi chính sách đất đai, lợi ích nhóm như thời gian qua.

Vụ án lừa đảo của Công ty Alibaba là một trong những vụ án điển hình về việc lợi dụng những kẽ hở trong Luật Đất đai. Ảnh: CHÍ THẠCH

Vụ án lừa đảo của Công ty Alibaba là một trong những vụ án điển hình về việc lợi dụng những kẽ hở trong Luật Đất đai. Ảnh: CHÍ THẠCH

Làm sao để ngăn tác động của lợi ích nhóm khi sửa đổi Luật Đất đai? Thứ nhất, cần lấy ý kiến, sửa đổi và bổ sung các dự thảo luật một cách công khai, minh bạch, dân chủ, có sự giám sát của cộng đồng. Đặc biệt, phải rà soát kỹ các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trên tiêu chí đảm bảo quyền và lợi ích của tất cả các bên. Đồng thời, khi bổ sung, sửa đổi các quy định nhằm khắc phục các vướng mắc thì phải đảm bảo tính tổng thể và khả năng áp dụng lâu dài. Bên cạnh đó, phải nghiêm cấm các trường hợp hợp thức hóa những vi phạm thông qua quá trình xây dựng pháp luật để hạn chế tối đa những lợi ích nhóm.

Ông HỒ VĂN HIỀN, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM: Định giá tiệm cận giá thị trường khi thu hồi đất

Luật hiện hành chưa quy định tiêu chí thu hồi đất nên một số địa phương lạm dụng, nhất là với đất nông nghiệp, làm ảnh hưởng tới nông dân. Thời gian qua, giá đất bồi thường luôn thấp, chưa đảm bảo sinh kế cho người dân bị thu hồi đất; chính quyền các cấp chưa quan tâm tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người bị thu hồi đất. Thực tế còn phát sinh nhiều khiếu nại, khiếu kiện do chủ đầu tư bất động sản thu được địa tô chênh lệch từ các dự án trên đất nông nghiệp bị thu hồi, trong khi nông dân vừa bị mất tư liệu sản xuất vừa nhận giá đền bù thấp.

Từ những điều vừa nêu, tôi đề nghị trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, cơ quan chức năng cần nghiên cứu chính sách xác định giá trị quyền sử dụng đất của người có đất bị thu hồi sát với giá thị trường, tính đủ, tính đúng. Tôi cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo Luật Đất đai cần quy định theo hướng tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp. Các dự án có nguồn vốn tư nhân phải đánh giá tác động về mặt xã hội khi thu hồi đất của người dân, đảm bảo minh bạch, khách quan, để không gây nên những bức xúc lớn trong nhân dân.

TS CHÂU HOÀNG THÂN, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ: Làm rõ mục đích, phạm vi thu hồi đất

Mặc dù Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã xác định đúng nguyên nhân trọng tâm về những bất cập trong công tác thu hồi đất, nhưng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn chưa thể hiện trọn vẹn những yêu cầu này. Dự thảo chưa làm rõ “mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Ngoài việc bổ sung các điều kiện ở khoản 5 Điều 67, dự thảo hầu như không thay đổi gì lớn so với Điều 62 Luật Đất đai năm 2013, mặc dù một số điều khoản đã từng gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Ngoài ra, Điều 94 và Điều 95 trong dự thảo vẫn tiếp tục ghi nhận các quy định về hỗ trợ mang bản chất bồi thường. Điều này làm hạn chế việc cơ quan lập pháp và hành pháp đánh giá toàn diện những thiệt hại của người có đất bị thu hồi. Bên cạnh đó, Điều 129 trong dự thảo quy định về nguyên tắc xác định giá đất vẫn không có nguyên tắc “công khai, minh bạch”. Điểm đ, khoản 1, Điều 129 dự thảo tuy có quy định nguyên tắc “bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định”; tuy nhiên, các quy định này không đủ tạo ra cơ chế để bảo đảm việc tư vấn “độc lập khách quan, trung thực” như trong quy định mà dự thảo đã nêu ra…

Để hạn chế những bất cập, giảm thiểu những khiếu nại, khiếu kiện và vẫn đảm bảo được việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, theo tôi Luật Đất đai nên được sửa đổi như sau: bổ sung phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 67 dự thảo. Điều này giúp cơ quan lập pháp và hành pháp đánh giá toàn diện những thiệt hại của người có đất bị thu hồi, từ đó xây dựng và thực thi các quy định công bằng, khách quan, dân chủ hơn. Điều này cũng đúng với yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW là “tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể sử dụng đất”.

Tin cùng chuyên mục