Hội nghị nhằm bàn giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, góp phần thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội là tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn của Nhà nước với chức năng quản lý Nhà nước với đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp, năm 2018, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và giao thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty (trước đây thuộc 5 bộ). Việc thành lập Ủy ban nhằm góp phần quan trọng để các bộ làm tốt hơn nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước, tập trung vào ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật, kiểm tra, thanh tra, giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Sau gần 5 năm thành lập Ủy ban, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận, đồng ý chủ trương tiếp tục thực hiện mô hình Ủy ban là cơ quan trực thuộc Chính phủ, làm đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiếp tục hoàn thiện mô hình, đổi mới hoạt động của Ủy ban để đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra, trong đó, tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là hoạch định chiến lược phát triển cho hệ thống doanh nghiệp Nhà nước để giữ vai trò nòng cốt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hội nghị được tổ chức nhằm thực hiện kết luận của Bộ Chính trị để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, phục vụ phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội, tiếp tục triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 - năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025).
Thủ tướng cho rằng, trong thành tích chung của cả nước có vai trò đóng góp rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, nộp ngân sách, tạo việc làm, trong đó có 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban.
Đến cuối năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước trong cả nước và nắm giữ khoảng 65% tổng tài sản của doanh nghiệp Nhà nước trong cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất quan trọng, cơ bản, đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty chưa thực sự tương xứng với nguồn lực nắm giữ và dư địa phát triển còn rất lớn.
Thủ tướng đề nghị đánh giá kỹ lưỡng về những thành tựu, kết quả đã đạt được để tiếp tục phát huy, chỉ ra những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, rút ra các bài học kinh nghiệm, dự báo các khó khăn cần giải quyết, những thách thức cần vượt qua, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty.
Trong đó, tập trung vào một số nội dung như mô hình, tổ chức hoạt động của Ủy ban; cơ chế, chính sách với các doanh nghiệp; sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với các doanh nghiệp; các vấn đề quản trị, đào tạo nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu…
Dự kiến sau hội nghị, Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị hoặc Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững.