Động đất kích thích
Ghi nhận từ năm 2021 đến nay trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum liên tục xảy ra động đất. Chỉ riêng từ ngày 28-7 đến chiều 29-7, tại huyện Kon Plông đã xảy ra 44 trận động đất. Trong đó, trận động đất trưa ngày 28-7 có độ lớn 5 richter, gây rủi ro thiên tai cấp 2, làm nứt một số trường học, trạm y tế, phòng làm việc một số công sở khiến người dân trên địa bàn bất an.
TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết, hàng chục trận động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ trong 2 ngày qua là động đất kích thích, không phải động đất tự nhiên. "Thông thường, cường độ động đất kích thích không thể mạnh quá cường độ động đất tự nhiên. Đối với khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ chúng tôi đang đánh giá cường độ lớn nhất khoảng 5,5 độ richter", TS Nguyễn Xuân Anh thông tin.
Chung nhận định, PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, cho biết, khu vực phía Bắc, cụ thể là Tây Bắc, vẫn là nơi ghi nhận cường độ động đất mạnh nhất ở nước ta do nguyên nhân tự nhiên (đới đứt gãy, các vết nứt trên vỏ Trái đất). Cụ thể là trận động đất 6,7 độ richter tại TP Điện Biên năm 1935 và trận động đất 6,8 độ richter tại Tuần Giáo (Lai Châu) năm 1983. Còn ở khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ chủ yếu là động đất kích thích - tức do tác động của con người vào tự nhiên, ví dụ xây dựng thủy điện.
Lý giải việc động đất kích thích xảy ra dồn dập 2 ngày qua ở Kon Plông, TS Nguyễn Xuân Anh phân tích, chuỗi thời gian mà một công trình thủy điện (hồ tích nước) sau khi xây dựng xong gây ra hiện tượng động đất kích thích có thể kéo dài liên tục trên dưới 10 năm. Theo TS Nguyễn Xuân Anh, hiện tại chưa thể dự báo được khi nào tình trạng động đất này sẽ kết thúc. Hiện tượng động đất kích thích do xây dựng hồ thủy điện là hiện tượng phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam không riêng khu vực huyện Kon Plông mà các thủy điện ở khu vực sông Đà cũng có động đất kích thích. Thời điểm xảy ra hiện tượng động đất cũng khác nhau. "Có hồ chỉ 5-7 năm nhưng có hồ sau hơn 10 năm mới gây ra động đất kích thích, tùy thuộc cấu tạo địa chất của khu vực đó", TS Nguyễn Xuân Anh nói và cho biết Viện Vật lý địa cầu đang duy trì 11 trạm theo dõi và ghi nhận tình hình động đất ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên để đưa ra đánh giá mức độ rủi ro.
PGS-TS Nguyễn Hồng Phương khẳng định, động đất là hiện tượng không thể dự báo chính xác trước về mặt thời gian. Trên thế giới cũng chỉ dự báo được sóng thần sau khi ghi nhận các động đất xảy ra trên biển. Do đó, nhiều nước đã chuyển kinh phí đầu tư cho hoạt động dự báo động đất sang đầu tư cho hoạt động ứng phó động đất.
Sẽ diễn tập ứng phó động đất
Ngày 29-7, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Kon Plông chỉ đạo củng cố lực lượng xung kích cấp xã để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ người dân khi xảy ra động đất. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư 3 thủy điện lớn trên địa bàn tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình động đất tương ứng đến mực nước dâng hồ thủy điện; tổ chức kiểm tính ứng với các trường hợp giả định các cấp động đất khác nhau, qua đó rà soát, bổ sung quy trình vận hành, ứng phó động đất để bảo vệ an toàn đập…
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum cho biết đang phối hợp với Văn phòng đại diện Cục Quản lý đê điều, phòng chống thiên tai miền Trung và Tây Nguyên đi kiểm tra tình hình thiệt hại do các trận động đất gây ra. Đoàn cũng sẽ khảo sát, kiểm tra, nắm số liệu mực nước hồ chứa thủy điện vào thời điểm xảy ra động đất để làm cơ sở đối chiếu với các năm trước nhằm xác định động đất có phải do ảnh hưởng của hồ chứa thủy điện hay không.
Theo ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, thời gian qua huyện đã phát sổ tay, cẩm nang hướng dẫn người dân ứng phó khi xảy ra động đất. Dự kiến trong tháng 8 này huyện sẽ tổ chức diễn tập ứng phó động đất, trong đó chú trọng các công việc người dân cần triển khai để đảm bảo an toàn khi xảy ra động đất.
Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum cho biết, trên địa bàn huyện Kon Plông có 3 thủy điện có dung tích hồ chứa trên 10 triệu m3 là thủy điện Thượng Kon Tum, Đắk Đrinh và Đăk Re. Để đề phòng các nhà máy thủy điện lo sợ động đất sẽ xả nước quá lưu lượng về hạ du, sở đã yêu cầu các đơn vị tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa. Qua kiểm tra cả 3 thủy điện đang tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, mực nước hồ hiện nằm dưới mực nước dâng bình thường rất xa.
Ngày 29-7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành Công điện số 73/CĐ-TTg 4 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất tại địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum và các địa phương trong khu vực thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân trong vùng, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở khẩn trương kiểm tra nắm tình hình, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ GTVT theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo kiểm tra, triển khai công tác khắc phục sự cố (nếu có), bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, công trình giao thông, nhất là các hồ đập, hồ chứa nước, công trình giao thông tại khu vực gần tâm chấn động đất. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả động đất theo yêu cầu của địa phương.
Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất, phối hợp với các cơ quan chức năng, huy động các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực, kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng và người dân để phục vụ công tác truyền thông và chỉ đạo ứng phó, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng gây hoang mang, bất ổn trong nhân dân.
LÂM NGUYÊN