Động đất là gì?

* Mỗi năm, toàn thế giới có khoảng 30.000 trận động đất các loại*Tần suất động đất mạnh ở Việt Nam thấp
Động đất là gì?

* Mỗi năm, toàn thế giới có khoảng 30.000 trận động đất các loại
*Tần suất động đất mạnh ở Việt Nam thấp

Động đất là gì? ảnh 1

Động đất đã được con người chú ý nghiên cứu từ xa xưa. Sử sách Trung Hoa đã bắt đầu ghi nhận các trận động đất từ khoảng 3000 năm nay. Vậy động đất là gì? Chúng tôi xin trích đăng bài viết của Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM-Nguyễn Văn Phước (ảnh).

Vành đai Thái Bình Dương: động đất nhiều nhất

Nói một cách đơn giản, động đất là những rung động của mặt đất một cách mạnh, yếu khác nhau và cảm nhận được trên một vùng rộng. Nói theo ngôn ngữ khoa học thì động đất là sự giải thoát đột ngột một lượng năng lượng lớn, tích tụ trong một thể tích nào đó bên trong trái đất.

Thể tích, tích tụ năng lượng đó gọi là vùng chấn tiêu hay lò động đất và tâm của vùng gọi là chấn tiêu. Thời gian để năng lượng giải thoát tại vùng chấn tiêu rất ngắn, tính bằng giây nên ta coi động đất gần như là một sự bùng nổ tức thời. Bên ngoài vùng chấn tiêu, các biến dạng của môi trường đất đá được truyền đi dưới dạng sóng đàn hồi và được gọi là sóng động đất. Sóng động đất sẽ tác động lên bề mặt đất làm cho mặt đất rung động.

Trên hành tinh của chúng ta, không có vùng nào chưa từng xảy ra động đất. Còn những rung động nhỏ được gọi là vi địa chấn thì hầu như xảy ra thường xuyên tại bất cứ điểm nào trên mặt đất. Hàng năm, trung tâm địa chấn quốc tế ghi nhận có khoảng 30.000 trận động đất các loại. Tuy nhiên, chúng không xảy ra đều khắp mà tập trung ở các khu vực sau:

- Vành đai động đất Thái Bình Dương: đây là đới động đất mạnh nhất. Nếu đánh giá về mặt năng lượng động đất thì khoảng 75%-80%/tổng năng lượng động đất được giải tỏa tại khu vực này. Khu vực này bao gồm cả ven bờ Thái Bình Dương. Các trận động đất có chấn tâm ở đáy đại dương thuộc vành đai động đất Thái Bình Dương là nguyên nhân trực tiếp gây ra những cơn sóng thần tàn phá nhiều vùng ven biển Thái Bình Dương trong thời gian qua.

- Khu vực Địa Trung Hải-Xuyên Á hay đới Alp-Hymalaya: đới này kéo dài từ Bắc Phi ngang qua vùng Hymalaya và nối vào vành đai Thái Bình Dương tại vùng quần đảo Indonesia. Theo tính toán của các nhà khoa học, 15%-20%/tổng năng lượng động đất được giải tỏa từ khu vực này.

- Đới động đất ngầm dưới sống núi giữa các đại dương: tại đới này thường xảy ra các trận động đất yếu so với 2 đới trên. Chỉ khoảng 3%-7%/tổng năng lượng thoát ra ở khu vực này.

Động đất ở Việt Nam: không đáng kể?

Động đất là gì? ảnh 2

Trung tâm TPHCM có nhiều cao ốc, nhà cao tầng rất cần được quản lý chất lượng xây dựng để ứng phó với động đất. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Theo bản đồ phân bố tâm chấn toàn cầu, nhiều chuyên gia cho rằng động đất ở Việt Nam là không đáng kể. Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia nhìn vào bình đồ kiến tạo phức tạp của vỏ trái đất ở Việt Nam với mạng lưới dày đặc những đứt gãy sâu lớn thì lại cho rằng Việt Nam có thể xảy ra những trận động đất lớn. Vậy đâu là sự thật?

Trước thế kỷ thứ 10, các tài liệu về động đất quá hiếm. Từ 1900 đến nay, các nhà địa chấn nước ta đã có điều kiện thu thập được nhiều tài liệu liên quan đến động đất. Theo đó, đã có nhiều trận động đất xảy ra ở nước ta như: động đất ở Điện Biên năm 1935 (động đất này xảy ra lúc 23 giờ 22 phút ngày 1 tháng 11 ở phía Đông Nam Điện Biên Phủ có độ lớn M= 6,75 độ richter, gây hư hại nặng cho nhà xây ở Điện Biên Phủ, tường nhà ở các khu vực gần đó thì bị nứt nẻ; vùng chấn tâm có vết nứt rộng đến 20cm, dài đến 50m), động đất ở sông Cầu năm 1970-1972 gồm 2 trận động đất xảy ra ngày 12-4-1970 và 24-5-1972 ở phía Tây thị xã sông Cầu (Phú Yên); chấn tâm của chúng chỉ cách nhau khoảng 20 km theo phương kinh tuyến…

Từ thực tế này, các nhà địa chấn nước ta đã nghiên cứu sự phân bố chấn tâm của các trận động đất và chỉ ra rằng động đất mạnh (ở nước ta) tập trung ở các vùng:

- Sông Mã suốt từ thượng nguồn đến Thanh Hóa
- Vùng sông Đà từ Lai Châu đến Hòa Bình
- Vùng sông Hồng, sông Chảy
- Vùng Đông Triều từ Yên Thế-Nhã Nam đến Hòn Gai-Cẩm Phả
- Vùng sông Cả-Rào Nậy
- Vùng ven biển Trung bộ và Nam bộ

Tuy nhiên, động đất ở Việt Nam không mạnh và nhiều so với nhiều nơi trên thế giới. Động đất ở Việt Nam thường ở mức trung bình và trung bình yếu. Tần suất động đất mạnh rất thấp.

NGUYỄN VĂN PHƯỚC
(Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM)

Động đất là gì? ảnh 3

Tin cùng chuyên mục