Động đất kích thích không có tính chất “hủy diệt”

Theo các chuyên gia địa chấn, hiện tượng động đất ở khu vực Kon Plông (Kon Tum) cũng như tại một số thủy điện ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên chỉ là động đất kích thích, cao nhất chỉ đạt 5,5 độ richter, không phải "động đất hủy diệt".

Trong 2 ngày 28 và 29-7, tại khu vực thủy điện ở huyện Kon Plông (Kon Tum) cũng như một số nơi ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã xảy ra tới 32 trận động đất (tính đến sáng 29-7). Theo nhiều người, trong 2 ngày nay, trung bình cứ mỗi tiếng đồng hồ, khu vực này lại xảy ra 1 trận động đất. Liệu đây có phải là hiện tượng bất thường không? Bởi các năm trước, mặc dù cũng xảy ra hàng trăm trận động đất lớn nhỏ, nhưng ít gặp đợt nào xảy ra động đất dồn dập như 2 ngày nay...

IMG_1145.jpeg
Khu vực xảy ra các trận động đất kích thích. Nguồn: Viện Vật lý địa cầu

Trao đổi với PV Báo SGGP trưa 29-7 về hiện tượng này, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết, hàng chục trận động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) và khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ trong 2 ngày qua (kể cả trận động đất đạt tới 5 độ richter ngày 28-7) vẫn chỉ là động đất kích thích, không phải động đất tự nhiên.

Theo các chuyên gia, hiện trên thế giới có 2 loại động đất gồm: động đất tự nhiên (do đới đứt gãy, vết nứt cấu tạo vỏ trái đất) và động đất kích thích (chủ yếu do xây thủy điện, các hồ tích nước cỡ lớn).

Trả lời câu hỏi cường độ mạnh nhất của loại động đất kích thích có thể đạt tới bao nhiêu độ richter, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, thông thường, chỉ có động đất tự nhiên mới mang tính chất hủy diệt (cường độ lớn), còn cường độ động đất kích thích không thể vượt quá cường độ động đất tự nhiên.

“Đối với khu vực Kon Plông và Tây Nguyên, Nam Trung bộ, chúng tôi đang đánh giá là cường độ lớn nhất cũng chỉ khoảng 5,5 độ richter”- TS Nguyễn Xuân Anh cho biết.

IMG_1146.jpeg
Thủy điện ở huyện Kon Plông (Kon Tum). Ảnh theo Báo Kon Tum

Giải thích lý do các trận động đất kích thích dồn dập xảy ra 2 ngày nay ở khu vực này (quá dày so với các năm trước), trong khi các hồ thủy điện đã vận hành từ nhiều năm (tại sao hiện tượng động đất không xuất hiện cùng một lượt rồi kết thúc mà lai rai), TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, chuỗi thời gian mà một công trình thủy điện (hồ tích nước) gây ra hiện tượng động đất kích thích (sau khi làm xong) có thể kéo dài liên tục trên dưới 10 năm, đồng thời không phải ngay sau khi xây dựng xong thì sẽ xảy ra động đất kích thích và không phải chỉ sau vài năm là hiện tượng này kết thúc, mà thời điểm xảy ra hiện tượng động đất cũng khác nhau. “Có hồ chỉ 5-7 năm, nhưng có hồ sau hơn 10 năm mới gây ra động đất kích thích, tùy thuộc cấu tạo địa chất của khu vực đó” - TS Nguyễn Xuân Anh nói với PV Báo SGGP.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, hiện tại chưa thể dự báo được là khi nào thì tình trạng động đất ở khu vực này sẽ kết thúc, cơ quan theo dõi động đất vẫn đang tiếp tục quan sát.

Trưa 29-7, Viện Vật lý Địa cầu đã cảnh báo thông tin trận động đất thứ 18 tại huyện Kon Plông, Kon Tum tính từ 0 giờ ngày 29-7. Trước đó, ngày 28-7, tại khu vực này đã xảy ra 21 trận động đất. Trong đó, có nhiều trận động đất có độ lớn 3-4 độ richter.

Tin cùng chuyên mục