Nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1-12) và hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS, Hội phòng chống HIV/AIDS TPHCM, Câu lạc bộ Bầu Trời Xanh, Phòng khám Nhà Mình tổ chức đêm hội ngộ Cảm xúc 30 năm tại TPHCM, tối 29-11). Sự kiện có sự đồng hành của Cục phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế và nhiều đơn vị. Đây là một trong những hoạt động chính nằm trong khuôn khổ Chiến dịch Cảm xúc 30 năm.
Đồng hành cùng hoạt động cộng đồng này có nhiều nghệ sĩ: NSƯT Trịnh Kim Chi, diễn viên Đình Toàn, diễn viên Quang Thảo, nhà báo Lê Phước Lập, Á hậu Trương Thị May, siêu mẫu Minh Tú, Á hậu Kim Duyên, đạo diễn Ngọc Duyên, đạo diễn Thái Huỳnh, ca sĩ Phương Anh Idol, ca sĩ Thanh Nga The Voice, nhóm 135…
Đêm hội ngộ Cảm xúc 30 năm là một đêm triển lãm những kỷ vật, những công trình, tài liệu và cả những hình ảnh người sống với HIV trong suốt nhiều năm qua vươn lên, vượt qua để có được những điều tốt đẹp hôm nay.
Triển lãm giới thiệu đến công chúng hơn 30 vật phẩm, gắn liền với những câu chuyện như: giấy xét nghiệm, bình sữa, ghế bố, sổ khám bệnh, nồi cơm điện, cặp nhẫn, thẻ bảo hiểm y tế, bông gòn, chai thủy tinh, cái kéo… Đây là không gian để tất cả mọi người gồm cả nhân viên y tế, cán bộ chương trình, anh chị em trong cộng đồng, văn nghệ sĩ, cùng ngồi lại bên nhau như những con người đã cùng nhau san sẻ những yêu thương, để không ai một mình và không còn khoảng cách.
Hòa trong không gian này là âm nhạc. Chương trình mang đến các ca khúc: Nếu chỉ còn một ngày để sống (Hoài An), Tôi tìm thấy tôi (Thái Huỳnh), Lời hứa (Kỳ Phương), Bình an (Tăng Nhật Tuệ), Dòng thời gian (Nguyễn Hải Phong), Tám chữ có (Lê Cát Trọng Lý), Yêu người yêu đời (Lê Hựu Hà)… qua phần thể hiện của các ca sĩ đã đồng hành với các hoạt động cộng đồng trong nhiều năm qua như: Thanh Nga The Voice, Phương Anh Idol, Đỗ Trường Hải, nhóm 135. Đặc biệt có vũ công Đình Lộc và Xuân Thảo lần đầu tham gia.
Đạo diễn Thái Huỳnh cho biết: “Triển lãm này đánh mạnh vào yếu tố thị giác thông qua nghệ thuật sắp đặt. Có một số vật phẩm người xem có thể hơi ghê sợ nhưng thực tế câu chuyện bên trong còn ghê sợ hơn những cái mình được nhìn nữa. Do năm nay chọn tông màu chủ đạo là trắng nên các vật phẩm sẽ được trưng bày trên nền trắng. Tâm điểm của phần triển lãm là nhật ký 30 năm, được đặt ở vị trí trung tâm của sân khấu”.
Đạo diễn Thái Huỳnh nhấn mạnh thêm, triển lãm lần này là tiếng nói của cộng đồng 60-70%, là những câu chuyện của cộng đồng chia sẻ, thể hiện cảm xúc của cộng đồng nhiều hơn, để cho thấy họ đã đạt được thành công nhất định trong cuộc sống mặc dù là người nhiễm HIV. Họ chấp nhận xuất hiện hình ảnh lấy đó là động lực, tấm gương cho nhiều người khác. Đây cũng là một trong những giá trị chương trình muốn mang đến.
Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Chủ tịch Hội phòng chống HIV/AIDS TPHCM cho biết: “Hiện giờ, tôi nhận rất nhiều tài liệu, sản phẩm của đội nhóm, viết hoặc dịch sách ở thập niên 1995-2000 về phòng chống AIDS. Với nhiều người nó không có giá trị nhưng với những người trong cộng đồng, nó là cả một gia tài họ gửi về để trưng bày. Triển lãm bắt đầu bằng tờ giấy xét nghiệm bởi vì tờ giấy xét nghiệm HIV là cánh cửa, bước ngoặt bắt đầu những biến cố trong cuộc đời người nhiễm HIV và kết thúc là đống hủ thuốc, thể hiện người nhiễm HIV phải uống bao nhiêu đó thuốc trong suốt bao năm qua và họ uống suốt đời. Và để có đống thuốc đó phải có sự hỗ trợ từ bác sĩ, từ các nguồn lực xã hội hỗ trợ”.
Năm 2020 đánh dấu cột mốc 30 năm kể từ khi ca nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện. Đó là hành trình không chỉ riêng của những người sống với HIV mà còn với rất nhiều đoàn thể, ban ngành và cả những tổ chức, cá nhân đã đồng hành cùng họ trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS. Chiến dịch với mục đích nhìn lại quãng đường cùng đồng hành bước tiếp đến tương lai với mục tiêu “chấm dứt AIDS tại Việt Nam” vào năm 2030, đích đến mà tất cả những con người, những tập thể đều mong đợi trong những năm qua. |