Thậm chí, gần đây có những vụ tàn phá với quy mô rất lớn, chẳng hạn như vụ cưa trộm gần 400ha gỗ rừng tự nhiên, mất gần một nửa diện tích rừng tự nhiên tại tiểu khu 205, xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk). Đây không phải là khu rừng vô chủ mà UBND huyện Ea Súp đã giao cho xã quản lý. Mặc dù xã đã thành lập đội bảo vệ rừng 8 người, gồm cán bộ địa chính, lực lượng công an xã, ban chỉ huy quân sự xã…, đồng thời trên địa bàn còn có lực lượng kiểm lâm, nhưng vụ việc chỉ bị phát hiện sau 20 ngày, khi rừng đã bị cạo trọc hàng trăm hécta, người dân tố giác với báo chí.
Chính quyền địa phương giải thích rằng, do khu rừng nằm xa trung tâm, việc phá rừng xảy ra ban đêm và thời gian này nhiều cán bộ xã bị mắc Covid-19… Nhưng đáng chú ý, trong thời gian xảy ra vụ phá rừng quy mô lớn này, tại tiểu khu 205 còn có Công ty TNHH Đất Vàng Ban Mê đang tiến hành khảo sát để làm dự án trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng và sản xuất nông nghiệp.
Từ năm 2014, chúng ta đã có chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên. Đến năm 2017 chính thức có lệnh chấm dứt hoàn toàn việc khai thác và tận thu gỗ rừng tự nhiên. Đây cũng là năm Ban Bí thư tiếp tục yêu cầu “dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên cả nước” và chủ trương này được thể chế hóa trong Luật Lâm nghiệp năm 2017. Nhưng sau gần 5 năm đóng cửa, rừng tự nhiên ở Tây Nguyên vẫn tiếp tục... “biến mất”.
Theo báo cáo mới đây của Chi cục Kiểm lâm vùng IV (Cục Kiểm lâm), trong năm 2021, diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh ở nhiều địa phương. Tình trạng phá rừng nhiều nhất ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên... Trong đó, Đắk Lắk giảm hơn 11.600ha so với năm 2020. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2010-2020, Tây Nguyên đã mất 462.000ha rừng. Trung bình mỗi năm Tây Nguyên mất dần 46.000ha rừng tự nhiên.
Câu hỏi đặt ra là đã có lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, nhưng đến bao giờ rừng mới ngưng bị tàn phá? Lực lượng bảo vệ rừng và chính quyền các địa phương ở đâu khi để tình trạng rừng đã được giao trách nhiệm trông coi, chăm sóc nhưng có chủ mà cũng như vô chủ? Thực tế này cho thấy, rừng ở Tây Nguyên sẽ vẫn bị “xẻ thịt” không thương tiếc và còn tiếp tục bị “chảy máu” nếu không có các giải pháp cứu rừng bằng trách nhiệm cụ thể, điều tra đến tận cùng đối tượng cầm đầu, bảo kê cho những vụ phá rừng quy mô lớn này.