Qua mấy chục năm công tác, sự cống hiến của anh cho ngành đối ngoại nói riêng và cho đất nước nói chung thật đáng kể. Có thể nhiều người biết đến anh như một ông Vũ Khoan nói chuyện sâu sắc và hóm hỉnh, còn đối với những người công tác trong ngành ngoại giao, anh là một chiến lược gia về chính sách của đất nước, là một người hành động thực tế rất nhiều kinh nghiệm.
Với hàng chục năm làm việc về Liên Xô, rồi trải qua các cương vị công tác đối ngoại cao cấp trong bộ máy Đảng và Nhà nước, anh đã tham gia vào quá trình ra quyết định và thực hiện những quốc sách lớn trong các hoạt động quốc tế quan trọng nhiều thập niên qua. Trong đó, anh đã trực tiếp tham gia các hoạt động xây dựng quan hệ chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây; nối lại quan hệ bình thường với Trung Quốc; bình thường hóa với Mỹ và châu Âu; đàm phán đưa Việt Nam gia nhập ASEAN. Bên cạnh đó, anh còn đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề bảo vệ chủ quyền, biên giới, hải đảo; đấu tranh với các lực lượng chống phá…
Anh đã là một tấm gương về tự học tập và rèn luyện qua thực tế. Ở đời, ta có nhiều người thầy để học: học từ các thầy cô, từ những người nổi tiếng, rồi học từ sách vở… Nhưng, tôi nghiệm thấy, đối với anh Vũ Khoan, người thầy chủ yếu là các hoạt động thực tiễn - tức là tự học. Có những lúc anh thường đùa vui với mọi người rằng: “Tôi là một người thất học, vô học!”, vì thực tế đến hết cuộc đời anh cũng không có bằng cấp tốt nghiệp trường lớp nào chính thức. Nếu như ngoại ngữ được xem là “cái cày” quan trọng nhất của người làm đối ngoại thì chủ yếu anh Vũ Khoan cũng tự học mà có. Anh luôn tâm nguyện và trân trọng học tập tấm gương của Bác Hồ về học ngoại ngữ hàng ngày mà chính anh đã được chứng kiến từ hồi phiên dịch cho Bác. Sử dụng tốt được 3 ngôn ngữ phổ biến là tiếng Nga, Anh, Trung cũng là kết quả của bao nỗ lực cá nhân bền bỉ nơi anh.
Anh rất coi trọng học phương pháp và kỹ năng làm việc. Với những cơ hội hiếm có trong đời làm đối ngoại của mình, anh đã ngày đêm “học mót” những nghệ thuật giao tiếp, cách xử lý các vấn đề của lãnh tụ Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo xuất sắc khác của Việt Nam mà anh có dịp tiếp cận, phục vụ.
Tôi lấy làm tiếc vì anh mới viết được cho các cán bộ trẻ một cuốn sách nhỏ “Vài món nghề ngoại giao”. Bởi vì, kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế của anh về ứng xử của nhiều nhà lãnh đạo trong các hoạt động quốc tế, những mẩu chuyện mà anh chưa kịp kể với anh em đồng nghiệp còn phong phú hơn rất nhiều. Thời nay đã qua rồi lối độc thoại, một người nói còn những người khác chăm chú ghi chép. Nhưng, mỗi một lần nghe anh Vũ Khoan phát biểu hay tranh luận một vấn đề nào đó, mọi người không chỉ lắng nghe mà còn rất trân trọng ghi chép đầy đủ những luận cứ độc đáo, sắc bén và logic của anh.
Một điều gây ấn tượng là cách nói của anh luôn ngắn gọn, đơn giản, dễ tiếp thu. Cách viết của anh cũng vậy, đều là những câu chữ rành mạch, rõ ràng, dễ hiểu. Đó là điều mà nhiều anh em chúng tôi thuộc lớp đi sau đã học tập được ở anh. Có được những năng khiếu đó chắc chắn rằng anh đã học tập và “lây” được phong cách của Bác Hồ, vì Người luôn có sức thu hút, cảm hóa về cách nói và viết.
Có thể mạnh dạn mà nói rằng, anh Vũ Khoan vừa là nhà lãnh đạo, quản lý vừa là “một thợ ngoại giao lành nghề” bậc cao nhất. Và, kết quả đó là do sự lao động cật lực và học tập phấn đấu không ngừng qua nhiều thập kỷ mang lại. Điều đáng trân trọng nữa của anh là sự quan tâm đến thế hệ trẻ. Đó không chỉ thể hiện trách nhiệm của lớp cha anh đi trước mà còn phản ánh đạo lý tốt đẹp của phẩm chất con người, luôn muốn đóng góp đào tạo thế hệ kế tiếp vì sự nghiệp chung của dân tộc. Qua thực tế hoạt động, anh không những là nhà ngoại giao tài ba, có khả năng thuyết phục và tìm điểm đồng với các đối tác quốc tế, mà còn là nhà giáo hấp dẫn thanh niên, sinh viên, khơi dậy trong lớp trẻ sự tự hào và tinh thần vượt khó, vươn lên học tập, sự say mê và khát vọng.
Với những người gần anh trong một thời gian ngắn cũng có thể nhận thấy anh là con người rất công bằng đối với mọi người, không xu nịnh và không ưa được nịnh, cũng không thiên vị đối với ai. Anh Vũ Khoan đánh giá con người dựa vào hiệu quả lao động, công việc. Bản thân anh nói về mình thì rất khiêm tốn. Tôi biết có những thời điểm anh gặp khó khăn, “uẩn khúc” trên con đường “công danh” nhưng anh vẫn bình thản, lấy công việc của mình để chứng tỏ con người anh là thế. Ở các cơ quan và tổ chức mà anh công tác, đại đa số mọi người đều yêu mến và quý trọng anh, học được nhiều điều tốt của một nhà lãnh đạo gương mẫu.
Đất trời biến đổi, âu cũng nằm trong quy luật bất tận của cái vô thường. Mệnh người hữu hạn! Vĩnh biệt anh, một người anh kính mến! Tôi cũng xin chia buồn với phu nhân của anh, cũng là một đồng nghiệp ngoại giao thân thiết, luôn bên anh suốt cuộc đời. Có một người bạn đời hiểu biết, gắn bó và một gia đình yên ổn như thế là một món quà lớn xứng đáng với anh!