Trong buổi chiều, đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ truyền đạt chuyên đề về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu chỉ đạo, kết luận hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, các nội dung mà Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII thông qua là rất hệ trọng; tiếp tục cụ thể hóa chủ trương lớn, nhất quán của Đảng được xác định trong Cương lĩnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước...).
Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh thêm một số điểm mang tính tư tưởng chỉ đạo, có tính thời sự cao. Đó là nghị quyết về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” và “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”. Đồng chí cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên Đảng ta đưa ra vấn đề này, nhưng lần này đưa ra với quyết tâm cao hơn để thực hiện. Đây là vấn đề rất hệ trọng, nên trong quá trình tiến hành phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời phải cẩn trọng, có bước đi vững chắc. Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết đổi mới, kiên quyết thực hiện; những vấn đề cần thiết nhưng chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm; những chủ trương đã thực hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời.
Theo đồng chí, trong quá trình này, không nóng vội nhưng cũng không bỏ qua hoặc để chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển; đồng thời, kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả, kinh nghiệm tốt đã được thực tiễn chứng minh là đúng. Ở mỗi cấp, mỗi lĩnh vực phải vừa quán triệt các nguyên tắc chung, vừa phải phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo của tổ chức, từng cấp, từng lĩnh vực. Đồng chí Võ Văn Thưởng dẫn chứng vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế vừa qua, nơi nào cũng kêu thiếu nhưng quá trình sửa đổi quy định để mua bán thuốc thì lại chậm trễ. Do đó, cần quyết tâm hơn. Chúng ta không nóng vội nhưng cần hết sức chú ý để mọi việc diễn ra kịp thời, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân. Đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu quán triệt nguyên tắc chung, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị mình để bảo đảm hiệu quả cao nhất.
Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh thêm về vấn đề đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước; khắc phục cho được tình trạng cấp dưới đi hỏi cấp trên những vấn đề thuộc về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; hoặc cấp trên trả lời chung chung khi có vướng mắc, không đầy đủ hết trách nhiệm, khiến cho việc bị chậm. Hay vấn đề cấp trên chỉ đạo việc của cấp dưới, cấp dưới không làm lại đẩy lên cấp trên. Nhiệm kỳ này cần thực hiện tốt việc mỗi người phải làm “đúng vai, thuộc bài”, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn.
Đồng chí cũng nhấn mạnh đến vấn đề nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng.
Trong công tác cán bộ, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh quyết tâm cao xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín...; đề cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; nhấn mạnh phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống”, khuyến khích cán bộ từ chức nếu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, khi có sai phạm; kịp thời bố trí lại cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút; kiên quyết khắc phục hạn chế, yếu kém, hình thức trong đánh giá cán bộ. Đây là vấn đề mang tính thời sự rất cao.
Theo Thường trực Ban Bí thư, vừa qua, chúng ta đã kiên trì thực hiện việc này, bước đầu khuyến khích cán bộ từ chức nếu không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, khi có sai phạm. “Tôi thấy cũng chẳng có ở đâu từ chức mà nâng lên trở thành văn hóa. Chúng ta cũng phải đặt ra một sức ép trong Đảng, trong xã hội, trong tổ chức cán bộ, đó là từ chức khi có khuyết điểm có sai phạm. Bị kỷ luật cảnh cáo, thôi Ủy viên Trung ương thì đó cũng là một cách theo văn hóa của Việt Nam. Đó là sức ép từ tổ chức, từ dư luận xã hội để cho công việc tốt hơn. Tôi tin rằng với xu hướng này sắp tới sẽ tốt hơn. Các đồng chí chủ tịch UBND tỉnh, phó chủ tịch từ chức để đảm nhận nhiệm vụ thấp hơn. Theo tinh thần là “ngã chỗ nào thì đứng dậy chỗ đó”, cố gắng làm, cố gắng nỗ lực, khắc phục khó khăn”, đồng chí Võ Văn Thưởng nêu.
Thường trực Ban Bí thư ví dụ trường hợp đồng chí Nguyễn Văn Thể, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT trả lời chất vấn trước Quốc hội sát vấn đề, làm việc có kết quả, Chính phủ ghi nhận nhưng chính đồng chí nói đã làm nhiệm vụ hơn 1 nhiệm kỳ, sức ép công việc lớn nên đề nghị Bộ Chính trị bố trí đồng chí khác có thể làm tốt hơn. Đó là điều cần được đánh giá, ghi nhận. Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị kiên quyết khắc phục hạn chế, yếu kém trong đánh giá cán bộ, tránh tình trạng “cán bộ vì sự an toàn của mình mà đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp”.
Đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu, việc học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 6 phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, xuyên suốt nhiệm kỳ; đồng thời với việc tuyên truyền, giới thiệu mô hình, điển hình hay trong quá trình thực hiện, kịp thời phê phán các tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt; chú trọng công tác đấu tranh phản bác các điểm sai trái, thù địch, định hướng dư luận xã hội. Các cấp ủy, tổ chức đảng khẩn trương nghiên cứu, cụ thể hóa nội dung các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 6 thành chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể; có sự phân công, phân nhiệm, lộ trình thực hiện rõ ràng, khả thi, hiệu quả, với phương châm: chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20; khắc phục tình trạng “nghị quyết thì rất hay, nhưng thực hiện thì rất gay”, vài năm sau xem lại vẫn còn nguyên giá trị.