Đồng chí Võ Văn Thưởng: Các cơ quan Trung ương cần tích cực giải quyết vướng mắc cho TPHCM

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị các cơ quan Trung ương phải tích cực hơn trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho TPHCM. Theo đồng chí, sự quan tâm của Trung ương với TPHCM là rất lớn, nhưng sự hỗ trợ và giải quyết các kiến nghị của TPHCM thì chưa kịp thời, hiệu quả.


Ngày 23-9, đoàn công tác của Trung ương Đảng do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, làm trưởng đoàn làm việc với Thành ủy TPHCM về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; công tác xây dựng Đảng tại TPHCM từ sau Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn công tác Trung ương Đảng thăm và làm việc với Thành ủy TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Cùng dự có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; cùng lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương.

Về phía TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM…

Không đột phá mạnh mẽ sẽ lạc hậu

Phát biểu tại buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chia sẻ với TPHCM về 3 khó khăn rất lớn hiện nay. Khó khăn trước tiên, theo đồng chí, kinh tế TPHCM có chiều hướng suy giảm so với chính mình, với một số địa phương khác và nguy cơ tụt hậu xa hơn sẽ sớm trở thành hiện thực nếu không có giải pháp đột phá mạnh mẽ.

Cụ thể, kinh tế TPHCM vẫn có quy mô đứng đầu cả nước, nhưng tốc độ tăng trưởng GRDP ngày càng giảm so với bình quân cả nước. Tốc độ tăng trưởng của TP hiện đứng 11. “Với tốc độ này, nếu không cải tiến một cách mạnh mẽ thì sẽ còn tụt hậu xa hơn”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh. 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại buổi làm việc với Thành ủy TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đồng chí cũng nhắc đến những điểm nghẽn tăng trưởng chung của cả nước đang bộc lộ một cách rất rõ rệt ở TPHCM. Đó là hạ tầng yếu kém khi 8 năm chưa ráp nối được Vành đai 2; các hướng giao thông đối ngoại đều rất khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Các chỉ số cải cách hành chính không đạt được chỉ tiêu vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước, thậm chí còn có chiều hướng giảm. Đặc biệt, tính năng động sáng tạo dám nghĩ dám làm của cán bộ có chiều hướng suy giảm.

Một khó khăn lớn khác là TPHCM có nhiều nỗ lực đề ra nhiều chủ trương nhưng thực hiện nhiều việc không thực sự kiên trì. Chẳng hạn, chương trình phát triển và chỉnh trang đô thị, di dời, tổ chức lại cuộc sống của các hộ dân trên và ven kênh rạch. Một số vấn đề thí điểm như xây dựng chính quyền đô thị, thành lập TP Thủ Đức thiếu tính đột phá, kết quả chưa rõ nét, còn nhiều tồn đọng phải giải quyết.

Chia sẻ với những khó khăn này, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, truyền thống của Đảng bộ TPHCM cho thấy lúc càng khó khăn càng phải bám sát dân, càng lắng nghe trăn trở; năng động sáng tạo và quyết tâm tháo gỡ khó khăn thì chắc chắn sẽ vượt qua, đạt được thắng lợi cao hơn.

Từ đó, đồng chí đề xuất, trong giai đoạn hiện nay, phải thúc đẩy tính năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm của đội ngũ cán bộ Thành phố. Theo đồng chí, trước những xung đột vẫn còn tồn tại trong hệ thống pháp luật như hiện nay, cán bộ năng động sáng tạo có thể đối mặt với nhiều rủi ro. “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu, hoặc thở than với những vướng mắc, hoặc cùng nhau bàn bạc, tháo gỡ, vượt qua rào cản để tiến lên. Đó là lựa chọn duy nhất của chúng ta hiện nay”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.  

Đồng chí Võ Văn Thưởng: Các cơ quan Trung ương cần tích cực giải quyết vướng mắc cho TPHCM ảnh 3 Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đồng chí dẫn lại câu chuyện khi Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM trong đêm trước đổi mới đã chọn đột phá, đi mua gạo cứu đói cho dân. Dẫn câu hỏi của đồng chí Võ Văn Kiệt từng đặt ra rằng nếu còn chức, giữ được chức mà để dân đói, hay lo cho dân có gạo ăn mà chúng ta có thể mất chức, thậm chí đi tù thì chúng ta chọn cái gì?, từ đó, đồng chí khẳng định: "Bài học còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay: Nếu quyết tâm thì chúng ta sẽ vượt qua. Thành phố là nơi hội tụ của nhân tài, cán bộ trụ được ở Thành phố là rất tốt, cần nỗ lực, động viên khích lệ".

Đồng chí Thường trực Ban Bí thư cũng gợi mở, TPHCM cần khẩn trương hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong thực hiện các khâu đột phá, nhất là hạ tầng, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc mà người dân đang phải đối mặt. Chẳng hạn, thực tế ở những quận nội thành có các quy hoạch đất lúa nhưng người dân không còn ai trồng lúa. Việc này nếu tháo gỡ được sẽ thúc đẩy tăng trưởng và thu ngân sách của Thành phố.

Nhấn mạnh rằng việc mạnh dạn đề xuất thí điểm chính sách mới, chính sách vượt trội trên một số lĩnh vực là vấn đề nhiều thế hệ lãnh đạo TPHCM trăn trở, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị TPHCM nghiên cứu đề xuất những nội dung thật cụ thể một số chính sách lớn khi tổng kết thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị.

Theo đồng chí, một số lĩnh vực TPHCM có thể đi đầu, như chính sách xã hội hóa y tế, giáo dục, thu hút nguồn nhân lực, hợp tác công tư. TPHCM nếu có đất quy hoạch đối ứng, đấu thầu chọn nhà đầu tư xây dựng bệnh viện thì chắc chắn sẽ có những bệnh viện chất lượng, mà không phải bỏ ngân sách để xây dựng rồi giải quyết các vấn đề phát sinh kèm theo.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, Thường trực Ban Bí thư lưu ý TPHCM cần phát huy chiều sâu văn hóa vốn có của Thành phố, là nơi hội tụ và lan tỏa của những con người hào kiệt.

Trong phát biểu của mình, Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị các cơ quan Trung ương phải tích cực hơn trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho TPHCM. Theo đồng chí, sự quan tâm của Trung ương với TPHCM là rất lớn, nhưng sự hỗ trợ và giải quyết các kiến nghị của TPHCM thì chưa kịp thời, hiệu quả. Đồng chí nêu những việc hỗ trợ chưa kịp thời, như tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM, việc hỗ trợ nguồn thu xuất nhập khẩu, hay việc hỗ trợ các dự án trọng điểm không đáng kể. Ngay cả thưởng vượt thu theo luật định nhiều năm không thực hiện. Phân cấp, phân quyền không tương xứng, chính sách hợp tác công tư còn nhiều vướng mắc. Những điều này đã được Bộ Chính trị ghi nhận trong Kết luận 21 của Bộ Chính trị năm 2017.

Đồng chí chia sẻ, chỉ 3 năm nữa là hết nhiệm kỳ, cũng là thời điểm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Hy vọng sau cuộc làm việc này sẽ tạo ra động lực làm việc để có nhiều kết quả hơn”, đồng chí Võ Văn Thưởng nói.

TPHCM bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo

Trước đó, báo cáo trước đoàn công tác Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM cho biết, từ sau Đại hội XI của Đảng và Đại hội XIII Đảng bộ TPHCM đến nay, toàn Đảng bộ TPHCM đã nỗ lực vượt qua 3 khó khăn thử thách. Đó là thử thách trong công tác phòng chống dịch; kiên quyết xử lý các vụ việc phức tạp còn tồn đọng; biến động trong công tác cán bộ. 

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc phát biểu trước đoàn công tác Trung ương Đảng. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Riêng về biến động trong công tác cán bộ, đồng chí Nguyễn Phước Lộc điểm lại: Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy được điều động sang địa phương khác nhận nhiệm vụ Bí thư. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy được kiện toàn nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND TPHCM, thay đồng chí Chủ tịch được điều động về trung ương. Ở cấp Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, chức danh Trưởng ban Tổ chức Thành ủy đến đầu năm 2022 mới được kiện toàn; một đồng chí Phó Chủ tịch UBND TPHCM qua đời vì tai nạn. Trong bối cảnh nhân sự biến động như vậy, TPHCM vừa lo chống dịch, vừa chỉ đạo phục hồi, với những khó khăn chất chồng tưởng chừng khó vượt qua.

“Qua những biến động chưa từng có mới thấy được sự đoàn kết thống nhất của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và sự đồng tâm hiệp lực của nhân dân Thành phố”, đồng chí Nguyễn Phước Lộc bày tỏ.

Theo đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, qua công tác phòng chống dịch đã xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân tiêu biểu rất đáng trân trọng, nhưng cũng đồng thời bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Từ cuối năm 2021 đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã điều động luân chuyển 8 đồng chí bí thư cấp huyện.

Đồng chí thông tin thêm, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đang tiếp tục hoàn thiện quy định về công tác cán bộ để từng bước chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới. Để công tác nhận xét, đánh giá cán bộ ngày càng thực chất hơn, Thành ủy đã xây dựng bộ tiêu chí tiêu chuẩn các chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý để làm cơ sở cho việc bố trí bổ nhiệm, đề bạt và đánh giá cán bộ. Đồng thời, ban hành quy định cán bộ khi được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử phải trình bày chương trình hành động, được xem như cam kết chính trị, làm cơ sở cho việc phê bình, tự phê bình, nhận xét đánh giá cán bộ…

Thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Thành ủy TPHCM đã chọn 12 tổ chức cơ sở đảng có những phần việc, giải pháp đột phá sáng tạo để báo cáo. Đáng chú ý, những nội dung này chưa có quy định pháp luật nhưng bước đầu thực hiện đã cho kết quả tích cực.

Đồng chí Nguyễn Phước Lộc nêu một vài ví dụ, như việc đưa 286 y, bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp về công tác tại các trạm y tế phường xã. Việc này chưa có quy định, nhưng qua 6 tháng thực hiện đã chứng minh hiệu quả rất tốt. Hoặc mô hình Trung tâm an sinh xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cũng chưa từng có tiền lệ…

Đến nay, toàn Thành phố đã triển khai các tổ chức Đảng đăng ký các ý tưởng, sáng kiến, nhất là việc mới, khó, tồn đọng, thiếu quy định pháp luật để triển khai thí điểm, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy xem xét quyết định triển khai.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG: Phối hợp chặt, đề xuất cơ chế chính sách mới cho TPHCM


TPHCM đang đứng trước cơ hội to lớn để phát triển thành thành phố thông minh, năng động sáng tạo, giàu bản sắc văn hóa, phát triển ngang tầm các thành phố lớn khu vực châu Á. 

Để đạt được các mục tiêu kể trên, đóng góp ngày càng lớn hơn, đề nghị TPHCM đẩy nhanh tổ chức quy hoạch với tư duy tầm nhìn dài hạn, chiến lược. 

Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng mà trọng tâm là giao thông đô thị. Vành đai 3, 4, kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL để tạo dẫn dắt trong thu hút đầu tư, tạo không gian phát triển mới; có giải pháp phát triển không gian ngầm, chống ngập. 

Đồng thời, tập trung cơ cấu lại các thành phần kinh tế, tiên phong kinh tế sáng tạo và khởi nghiệp. Tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao. Xây dựng TPHCM trở thành trung tâm tài chính, phát huy lợi thế mô hình "thành phố trong thành phố", cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh liên kết vùng. 

Bộ hoàn toàn ủng hộ việc TPHCM kiến nghị Trung ương ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM. 

Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Thành phố trong tổng kết, đánh giá, đề xuất cơ chế chính sách mới cho Thành phố. 

Liên quan các dự án hiện nay của TPHCM đang ách tắc, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với TPHCM và các bộ ngành liên quan để tham mưu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. 


Bộ trưởng Bộ Công an TÔ LÂM: Phương châm hành động là ổn định để phát triển 


TPHCM có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt với sự ổn định và phát triển của đất nước. TPHCM đang đối mặt với khó khăn, thách thức lớn, các thế lực thù địch xác định TPHCM là trung tâm chống phá. TPHCM cũng là địa bàn tiềm ẩn nhiều loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, tội phạm xuyên quốc gia. Vấn đề mới, đặc trưng ở TPHCM là tội phạm kinh tế tham nhũng, gắn với nhóm lợi ích, sở hữu chéo, nhất là những lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai. Tội phạm hình sự chuyển sang núp bóng doanh nghiệp, núp bóng tín dụng đen có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn phức tạp. Tội phạm ma túy nghiêm trọng hơn, có nguy cơ biến TPHCM thành địa bàn trung chuyển. Bên cạnh đó là tội phạm công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng... 

Quy mô lớn nên chính sách quản lý dân cư, an sinh xã hội gặp khó khăn, nếu lơ là có thể xảy ra thảm họa khó lường. 

Thời gian tới, tình hình còn diễn biến nhanh chóng, phức tạp, yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn TPHCM là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng không chỉ của riêng TPHCM. 

Đảng ủy Công an Trung ương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với TPHCM, trong đó xác định rõ phương châm hành động là ổn định để phát triển. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các cấp ngành về nguy cơ thách thức đang đặt ra cho Thành phố trong phát triển. Mục tiêu cuối cùng là người dân TPHCM được sống trong môi trường yên bình, hạnh phúc, thực sự được thụ hưởng thành quả kinh tế xã hội. 

Để giữ vững an ninh trật tự thì yếu tố con người giữ vai trò rất quan trọng. Đề nghị TPHCM quán triệt thực hiện hiệu quả Nghị quyết 12 về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thực sự trong sạch vững mạnh. Đồng thời, tạo điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng lực lượng công an cấp xã, phường, thị trấn để đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. 


Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức NGUYỄN HỮU HIỆP: Hai mong muốn lớn của người dân TP Thủ Đức


Sau hơn 20 tháng thành lập, TP Thủ Đức vẫn chưa phát huy được tối đa nguồn lực, hạ tầng chưa có gì thay đổi, xe vẫn kẹt vào giờ cao điểm, đường vẫn ngập khi mưa và triều cường. Tâm trạng người dân đã bớt hào hứng và thay vào đó là nhiều băn khoăn, trăn trở, số ít có phần hoài nghi về mô hình "thành phố trong thành phố" đầu tiên cả nước. 

Người dân TP Thủ Đức có hai mong muốn rất lớn gửi đến lãnh đạo Đảng. 

Một là, tập trung cải thiện từ cung cách phục vụ người dân phải nhanh hơn, thông suốt hơn, chăm lo an sinh thuận lợi hơn. Giao thông, thoát nước, môi trường phải được chỉnh trang, kết nối giữa khu dân cư cũ và mới. Những mục tiêu lớn lao có thể chưa thấy nhưng chí ít những tiện ích hàng ngày phải có chuyển biến, đảm bảo đời sống người dân. 

Hai là, về lâu dài phải xây dựng TP Thủ Đức trong tổng thể của vùng TPHCM ở miền Đông Nam bộ, vì từ vị trí của mình, Thủ Đức hội đủ yếu tố kinh tế - xã hội để kết nối xung quanh. Trung ương cần có cơ chế chỉ huy vùng. Nếu được vậy, Thủ Đức sẽ phải quản lý tốt quy hoạch chung, triển khai quy hoạch chi tiết, kêu gọi đầu tư công khai, minh bạch để có nhiều nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó góp phần tạo ra giá trị thực từ mô hình chính quyền đô thị. 

Tin cùng chuyên mục