Đồng chí Võ Trần Chí - nhà lãnh đạo gần gũi, đậm chất Nam bộ

Hơn 66 năm hoạt động cách mạng, 65 năm tuổi Đảng, đồng chí Võ Trần Chí, người thường được đồng đội, đồng chí, nhân dân gọi với cái tên thân thương, trìu mến: Anh Hai Chí, Chú Hai Chí, Bác Hai Chí đã trọn đời vì Đảng, vì dân, cống hiến toàn bộ sức lực, tâm huyết của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí Võ Trần Chí, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII, Bí thư Thành ủy TPHCM, sinh ngày 22-5-1927 tại xã Hướng Thọ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Năm 1945, đồng chí tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở xã Hướng Thọ Phú và thị xã Tân An; vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam lúc mới 19 tuổi. Từ đó, đồng chí hoạt động cách mạng sôi nổi và giữ nhiều trọng trách quan trọng.

Sau năm 1975, đồng chí Võ Trần Chí được Trung ương Cục chỉ định làm Thành ủy viên Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Từ tháng 6-1975 đến tháng 9-1980, đồng chí giữ chức vụ Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy quận 5. Từ tháng 10-1980 đến tháng 8-1982, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên huấn Thành ủy TPHCM. Từ tháng 8-1982 đến tháng 10-1983, đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy TPHCM.

Từ tháng 10-1983 đến tháng 10-1986, đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Phân ban Thành ủy và Trưởng ban Nông nghiệp Thành ủy kiêm Thường trực Thành ủy TPHCM. Tại Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IV (tháng 10-1986), đồng chí được bầu làm Bí thư Thành ủy.

Tháng 12-1986, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6-1991), đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị, tiếp tục làm Bí thư Thành ủy TPHCM khóa V (1991-1996).

V3c.jpg
Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Trần Chí giao lưu với các em học sinh giỏi, tháng 6-1991. Ảnh: N.C.T.

Trò chuyện với PV Báo SGGP, ông Kiều Ngọc Trạc (nguyên Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng TPHCM), hiện 76 tuổi, vẫn nhớ nguyên hình ảnh đồng chí Võ Trần Chí là một con người đậm chất Nam bộ. “Ông Hai Chí chỉ đạo thật dễ hiểu, sát sao từng việc một. Ra khỏi cuộc họp, ông gần gũi, thân tình với anh em”, ông Kiều Ngọc Trạc nhớ lại.

Ông Kiều Ngọc Trạc kể, trong thời gian ông Hai Chí làm Trưởng Phân ban Thành ủy và Trưởng ban Nông nghiệp Thành ủy kiêm Thường trực Thành ủy TPHCM, những chỉ đạo của ông về mảng nông nghiệp đối với các huyện vùng ven như Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi… hết sức sát sao, ông thường xuyên xuống thăm hỏi, lắng nghe ý kiến bà con nhân dân.

Trong hai nhiệm kỳ làm Bí thư Thành ủy TPHCM (1986-1996), đồng chí Võ Trần Chí đã cống hiến sức lực, tâm huyết để có các chủ trương, chính sách tốt nhất cho người dân. Qua đó, có những đóng góp quan trọng vào tiến trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, để lại nhiều dấu ấn phát triển của TPHCM.

Khi tôi vào làm việc tại Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP), chú Hai Chí vừa nghỉ hưu. Dù không có cơ hội gặp gỡ với chú nhưng tôi rất kính trọng chú, đặc biệt tôi xúc động về Chương trình Xóa đói giảm nghèo do chú Hai Chí - khi đó là Bí thư Thành ủy TPHCM khởi xướng.

Tôi còn nhớ, trong cuộc thi “Tự hào Thành phố của tôi”, vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi tham dự và có bài thuyết trình về những nỗ lực của TPHCM trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tôi thích nhất lời chú Hai Chí khi trích lời dạy của của Bác Hồ: “Đất nước đã được độc lập, nhân dân đã được tự do mà dân còn đói, còn khổ thì độc lập, tự do không có ý nghĩa gì”. Đó chính là động lực để chú cùng lãnh đạo Thành ủy TPHCM quyết tâm thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Năm 2010, tôi viết loạt bài Cuộc đấu tranh vì mục tiêu CNXH trong thế kỷ XXI. Loạt bài kết bằng bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Học thuyết Mác và CNXH người Ai Cập, ông Samir Amin nhân dịp ông đến Việt Nam dự hội thảo “Học thuyết Mác và thực tiễn thế giới” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Bài viết lấy tiêu đề trích ý kiến của ông Samir Amin: Cuộc đấu tranh vì mục tiêu CNXH trong Thế kỷ 21: Việt Nam - Ứng cử viên đến đích đầu tiên.

Báo SGGP đăng bài này, chú Hai Chí, lúc đó 83 tuổi, chống gậy đến thăm Báo SGGP, khen Báo SGGP đã có những loạt bài nêu bật được tính ưu việt của chế độ XHCN, đi đúng những vấn đề không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đang quan tâm: CNXH là lựa chọn đúng đắn và Việt Nam phải vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN làm sao đảm bảo công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững.

Tôi kính phục chú Hai Chí vì tuổi đã cao, sức yếu, nhưng chú vẫn luôn quan tâm đến tình hình đất nước, vẫn đọc báo hàng ngày và động viên kịp thời đội ngũ làm báo như chúng tôi.

Nhà báo Lý Việt Trung - Tổng Biên tập Báo Phụ nữ TPHCM, nguyên Trưởng ban Quốc tế Báo SGGP

Tin cùng chuyên mục