Nén lại niềm tiếc thương vô hạn khi hay tin đồng chí Trương Vĩnh Trọng từ trần, đồng chí Huỳnh Minh Đoàn kể lại những dấu ấn khó phai anh Hai Nghĩa - đồng chí Trương Vĩnh Trọng với người dân Đồng Tháp.
Khoảng tháng 8-2000, đồng chí Trương Vĩnh Trọng được Bộ Chính trị chỉ định về Đồng Tháp, tham gia Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy. Nhận nhiệm vụ, đồng chí Trương Vĩnh Trọng bắt tay ngay vào việc chỉnh đốn Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp theo Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII) với tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Nhờ đó đã chặn được đà suy yếu của Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lúc bấy giờ.
Đồng chí Trương Vĩnh Trọng bắt đầu chỉnh đốn cán bộ từ những việc nhỏ nhất, như giờ giấc làm việc, cán bộ phải tiếp dân… “Tôi còn nhớ mãi một cuộc họp với UBND tỉnh, khi đó giờ họp là 7 giờ 30 nhưng đến 8-9 giờ vẫn còn vài giám đốc sở chưa đến. Lúc này, đồng chí Trương Vĩnh Trọng đứng lên chấn chỉnh ngay việc đi muộn của cán bộ, chỉ đạo dừng họp. Buổi họp dời lại sáng hôm sau và không còn cán bộ nào dám đi muộn nữa”, đồng chí Huỳnh Minh Đoàn kể lại.
Kể từ lần chỉnh đốn đó, lề lối làm việc của cán bộ từ tỉnh đến xã ở Đồng Tháp có chuyển biến hẳn.
Đồng chí Trương Vĩnh Trọng thường xuyên đi cơ sở, lắng nghe ý kiến cán bộ, người dân, nhất là những hộ dân có khiếu nại, chưa đồng thuận chính sách nhà nước… Bản thân đồng chí Trương Vĩnh Trọng luôn gương mẫu, làm việc quên mình. Đối với cán bộ, nhân dân khi có việc đăng ký gặp là được đồng chí tiếp ngay, không kể thứ bảy, chủ nhật.
Người dân Đồng Tháp khó quên được hình ảnh ông Bí thư Tỉnh ủy luôn xông xáo cùng cán bộ địa phương trong ứng phó với trận lũ lịch sử năm 2000. Khi đó, toàn tỉnh Đồng Tháp và nhiều tỉnh ở ĐBSCL bị ngập sâu. Đồng chí Trương Vĩnh Trọng xông pha trên 2 mặt trận, vừa lo cùng chính quyền địa phương giúp dân chạy lũ; mặt khác tranh thủ vận động các tổ chức, cá nhân ngoài tỉnh hỗ trợ bà con nhu yếu phẩm để vượt qua cơn lũ… Trong hoàn cảnh ấy, tại TP Cao Lãnh vẫn còn một số cán bộ chơi tennis.
Sau khi thực tế nắm tình hình này, đồng chí Trương Vĩnh Trọng từ tốn giải thích với cán bộ tỉnh: “Bà con nhân dân đang căng mình chống lũ, nhiều nhà không có chỗ nằm, không có chỗ ăn cơm… Mình là cán bộ, trong lúc này cũng phải chia sẻ với người dân, sát cánh với người dân…”. Và sau đó, đồng chí yêu cầu cán bộ không chơi tennis, khi nào lũ rút mới tính đến chuyện chơi tennis.
Cùng sát cánh làm việc 10 tháng với đồng chí Trương Vĩnh Trọng, đồng chí Huỳnh Minh Đoàn, khi đó là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp, càng thấu hiểu được người đồng chí của mình: “Đồng chí Trọng đậm tố chất của một nhà lãnh đạo trong sạch, giản dị, kiên trung với Đảng và đầy ắp tinh thần yêu nước, thương dân. Dù làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp trong thời gian rất ngắn, nhưng đồng chí Trương Vĩnh Trọng đã xông pha hầu hết các xã, phường trong tỉnh. Gặp mặt, giải quyết cơ bản những bức xúc của cán bộ và người dân, trực diện đột phá những yếu kém, lập lại trật tự kỷ cương trong Đảng bộ, thiết lập và đổi mới lề lối làm việc khoa học. Nhìn tấm gương đó, mọi người trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cố gắng hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao; đồng thời ai cũng rất thương và kính phục đồng chí bởi nhân cách và lề lối làm việc…”