>> Clip Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi thảo luận tổ TPHCM trong chương trình kỳ họp thứ 4:
Tại tổ TPHCM, các đại biểu đã nêu nhiều vấn đề “nóng” về kinh tế - xã hội, đưa ra nhiều kiến nghị giải pháp trong điều hành trong thời gian tới.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết, đối với TPHCM, có một số vấn đề cần Trung ương nhận diện, có giải pháp như vụ việc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) xảy ra vừa qua; vụ thiếu xăng dầu cục bộ; dự toán giao thu ngân sách cho TPHCM trong năm 2023; thực hiện cơ chế chính sách đặc thù...
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, vụ việc SCB không chỉ xảy ra ở TPHCM nhưng tác động đến TP rất lớn. SCB không chỉ tác động đến an ninh ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản trên địa bàn TP trong thời gian tới, các dự án lớn sẽ chậm lại, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, ảnh hưởng rất lớn.
Hay vấn đề thiếu xăng, đây không phải là chuyện nhỏ, không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân mà ảnh hưởng lớn đến vận chuyển hàng hóa, đe dọa an ninh năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ảnh hưởng vĩ mô.
“Nhìn rộng ra đó là an ninh năng lượng. Tại sao cả nước chỉ có TPHCM là tình hình xăng dầu phức tạp nhất. Phải chăng khâu điều phối, dự trữ xăng dầu, an ninh năng lượng chưa tương xứng với TPHCM - đầu tàu kinh tế cũng như cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam?”, Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu. Đồng thời, Chính phủ cần có giải pháp về vấn đề xăng dầu, có cơ chế, chính sách đầu tư cho dự trữ xăng dầu để bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là ở TPHCM và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, trong đó có thể tính đến các hình thức dự trữ mới.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xử lý tốt vấn đề trái phiếu, coi đó là vấn đề cấp bách từ đây đến cuối năm và năm sau. Cùng với đó là tín dụng ngân hàng, phải giám sát, lọc được dòng vốn, phải để chảy vào sản xuất kinh doanh chứ không phải để đảo nợ. Cần phải có chính sách lãi suất hợp lý.
Đồng chí cũng đề nghị triển khai nhanh hơn, đồng bộ hơn chương trình phục hồi kinh tế hiện nay đang chậm. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện thể chế để tháo gỡ các vướng mắc mang tính cấp bách, ví dụ vấn đề thiếu thuốc hiện nay. “Cái gì cấp bách cần tháo gỡ thì các bộ, ngành phải ngồi lại với nhau để sửa ngay dưới thể thức các văn bản của Chính phủ; còn liên quan đến luật thì phải sửa theo quy trình rút gọn. Đơn cử, trước mắt cần sửa ngay các quy định để giải quyết vấn đề thiếu thuốc, xăng dầu, đầu tư công”, Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị. Song song đó, cần quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội, y tế, giáo dục như: an sinh cho các đối tượng yếu thế; vấn đề tự chủ cho các cơ sở y tế, giáo dục; khắc phục tình trạng cán bộ, công chức nghỉ việc do lương thấp…
Theo đồng chí, với Nghị quyết 54, Chính phủ đã có báo cáo, Ủy ban thẩm tra cũng đã chỉ rõ nhiều điều. 5 năm thực hiện Nghị quyết nhưng mất 2 năm đầu loay hoay tìm kiếm giải pháp, sự phối hợp để triển khai, tiếp đó lại bị dịch Covid-19. Nhưng điểm mấu chốt là sự chủ động, quyết liệt, đeo bám trong triển khai các chính sách đặc thù của TPHCM là chưa đủ, nên khi mắc ở các bộ ngành là dừng lại; sự vào cuộc của các bộ, ngành chưa mạnh, cần nhìn thấy rõ điều đó để nỗ lực hơn trong thời gian tới.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, tới đây, nếu Quốc hội thông qua việc kéo dài thêm 1 năm thực hiện Nghị quyết 54 thì sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách đang làm tốt; rà soát, chọn trọng tâm để thực hiện để bảo đảm trong 1 năm đó bảo đảm thực hiện hiệu quả.
Mặt khác, TP cũng đang tập trung xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, trong đó có nhiều nội dung như về cơ chế chính sách đầu tư, tài chính ngân sách, tổ chức bộ máy - biên chế, quản lý đô thị - đất đai, quản lý xã hội, cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức, mốt số cơ chế cho trung tâm tài chính quốc tế TPHCM… TP đề nghị những vấn đề mới, thực tiễn đang đặt ra nhưng pháp luật chưa quy định thì TP sẽ thí điểm; những gì có quy định như chưa đầy đủ hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, hoặc còn chồng chéo thì TP cũng xin thí điểm. Tinh thần là cơ chế đặc thù sẽ đồng bộ hơn, mạnh mẽ hơn, phân cấp, phân quyền cho TP rõ nét hơn.
TP đang hoàn thiện và xin ý kiến các bộ ngành đối với từng nội dung cụ thể. Phấn đấu trong tháng 11 sẽ báo cáo lần đầu với Đảng đoàn Quốc hội, sau đó báo cáo Bộ Chính trị để kịp trình tại kỳ họp gần nhất của Quốc hội (không chờ đến kỳ họp cuối năm 2023), để bảo đảm triển khai sớm nhất.