1. Ông sinh ra ở Long Hồ (huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long) và tham gia hoạt động yêu nước trong những năm học trung học. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1930. Sau một năm thì ông bị bắt trong vụ bắn chết tên hương quản tàn ác, bị đưa ra tòa đại hình và bị xử án tử hình 2 lần, ở Mỹ Tho và ở Tòa đại hình đặc biệt Sài Gòn. Những năm sống trong tù ngục của chế độ thực dân, vượt qua mọi thử thách, ông đã thể hiện tinh thần đấu tranh và nghĩa hiệp.
Ông có sức chịu đựng phi thường, luôn hiên ngang trước kẻ thù, chân tình với bạn bè, đồng chí. Với tình cảm thương yêu đồng chí đến mức xả thân, ông đã chịu đòn thay cho những bạn tù, trong đó có Bác Tôn, có đồng chí Lê Duẩn. Khí phách của ông làm bọn cai ngục nể phục. Trong hoàn cảnh nào ông cũng thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng, luôn đặt niềm tin vào thắng lợi, vào lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Xứ ủy đã giao cho ông trọng trách Bí thư Xứ ủy Nam bộ và Giám đốc Quốc gia tự vệ cuộc.
Năm 1954, ông là Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến Nam bộ. Trong việc sắp xếp cán bộ, ai ở lại miền Nam, ai tập kết, ông cho rằng, đây là nhiệm vụ và nhiệm vụ nào cũng vinh quang. Thời gian ra Bắc, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, đảm trách các nhiệm vụ Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, rồi Phó Thủ tướng Chính phủ.
2. Năm 1967, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt nhất, ông được Bộ Chính trị cử vào công tác tại chiến trường miền Nam, làm Bí thư Trung ương Cục, kiêm Chính ủy các Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông có tác phong sâu sát, lúc ở Trung ương Cục, dù đang đêm hay hừng sáng, khi cần, ông băng rừng bằng xe máy đến nơi bộ đội đóng quân và các cơ quan giữa vùng căn cứ miền Đông. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông được chỉ định làm Chính ủy của chiến dịch, đã sát cánh với Sở chỉ huy chiến dịch và chỉ đạo với quyết tâm cao. Ông đã cùng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào nổi dậy, tiến vào Sài Gòn, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau giải phóng, ông tiếp tục giữ chức Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - vị Thủ tướng thứ ba của Nhà nước ta. Đảm đương công việc nặng nề, trong những năm tháng còn nhiều khó khăn, ông đã thể hiện sự lắng nghe, quyết đoán, thực hiện chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và góp phần quan trọng trong xây dựng chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng.
Trong sự kiện lịch sử - Việt Nam xuất khẩu gạo năm 1987, lúc đầu nghe đề xuất ông thấy bất ngờ, nhưng khi trực tiếp nắm lại thông tin, lắng nghe các địa phương, doanh nghiệp, ông đã quyết ngay và chỉ đạo việc làm ăn phải bảo đảm chắc chắn. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của TPHCM bấy giờ cho rằng, gần như trong mỗi công trình, dự án để thành phố phát triển đều được đồng chí Phạm Hùng ưu tư trăn trở…
3. Ông là một trong những nhà chiến lược của cách mạng Việt Nam, có tư duy độc lập, dân chủ, có tác phong làm việc khoa học, sâu sắc, tỉ mỉ, có tầm khái quát, có tính nguyên tắc, chặt chẽ nhưng linh hoạt trong giải quyết công việc. Khi phụ trách Quốc gia tự vệ cuộc, ông luôn quan tâm xây dựng lực lượng giỏi về chuyên môn, có lòng trung thành và biết dựa vào dân, phải làm tốt nhiệm vụ bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ dân. Với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, ông xác định đây là trọng điểm của Nam bộ, có tính chiến lược nên rất quan tâm trong chỉ đạo, nhất là xây dựng lực lượng tại chỗ.
Ông coi trọng đoàn kết nội bộ trên cơ sở làm tốt tự phê bình, phê bình, hết lòng vì việc chung, có tình thương yêu đồng chí, không phải là kiểu đoàn kết một chiều, lấy lòng nhau, bè phái, kèn cựa chức quyền. Uy tín mà người lãnh đạo có được chính là ở sự gương mẫu, nói đi đôi với làm. Ông còn là một người luôn nghiêm khắc với mình, rộng lượng với người và là tấm gương sáng về lối sống thanh bạch, giản dị, tiết kiệm. Trong đời sống cá nhân, ông vẫn luôn thể hiện tinh thần liêm chính, công tư phân minh và không chút tư lợi, dù nắm giữ những trọng trách quan trọng của đất nước.
Ông được đồng chí, đồng bào, các văn nghệ sĩ quý mến, bởi theo ông: Muốn quản lý con người, trước hết phải thương yêu con người. Các văn nghệ sĩ cho rằng, ông là một nhà lãnh đạo tài ba, một tâm hồn nghệ sĩ lớn. Dù bận rộn, ông vẫn luôn quan tâm đến trí thức, văn nghệ sĩ, nhớ những vở tuồng, vai diễn, nhắc nhở chăm lo nơi ở cho những trường hợp còn nhiều khó khăn, cả những người ở bưng biền ra hay nơi khác về, cả những người hoạt động tại thành phố.
Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng được tín nhiệm, được giao nhiều trọng trách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, trong thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới đất nước. Ở cương vị nào ông cũng cố gắng hoàn thành. Với ông: “Còn sống là còn lao động và chiến đấu”.
Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng có tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11-6-1912. Ông mất trong một cơn đau tim nặng khi đang công tác tại TPHCM và các tỉnh phía Nam ngày 10-3-1988, thọ 76 tuổi. |