Đồng chí Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM: Với người dân TPHCM, đồng chí Phan Văn Khải như người nhà

Nhấn mạnh tình cảm của Đảng bộ, nhân dân TPHCM luôn coi đồng chí Phan Văn Khải như người nhà, đồng chí Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho biết, người dân nơi đây vẫn gọi ông với cái tên trìu mến, thân thương: Anh Sáu, Chú Sáu, Bác Sáu. Khi còn công tác ở TPHCM, ông vẫn dành thời gian gặp gỡ người dân lao động, bố trí thời gian và tâm sức làm việc với các doanh nhân với tấm lòng thân thiết, không câu nệ phân biệt đối xử.

Học tập ở tấm gương cống hiến trọn đời cho Đảng

Chiều 24-12, tại hội thảo “Đồng chí Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của TPHCM” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy TPHCM phối hợp tổ chức, đồng chí Phạm Đức Hải đã có những chia sẻ tình cảm của Đảng bộ, nhân dân TPHCM đối với những cống hiến của đồng chí Phan Văn Khải.

Đồng chí Phạm Đức Hải khẳng định, với hơn 70 năm hoạt động cách mạng, ban đầu là công tác thiếu nhi, cho đến khi giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông vẫn là một con người yêu nước nhiệt thành, tự nguyện dấn thân trong phong trào cách mạng, trung thành với Đảng, tận tâm với nước, dù khó khăn, gian khổ đến mấy cũng kiên quyết thực hiện mọi nhiệm vụ được giao.

trao-doi-5309.jpg
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM (thứ 3 từ phải qua) cùng các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: QUANG PHÚC

“Lòng trung thành với Đảng, với đất nước ở con người ông không thể hiện một cách ồn ào, không nói bằng những lời to tát. Ông bình dị, nhưng kiên quyết trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thực tiễn, điều hành hoạt động của Chính phủ trong bối cảnh khó khăn chồng chất của đất nước thời kỳ đầu đổi mới và hội nhập quốc tế. Những người từng công tác, được cùng làm việc với ông đều cảm nhận được sự bình tĩnh, tự tin và sáng suốt khi cần giải quyết những công việc hệ trọng của đất nước”, đồng chí Phạm Đức Hải nhấn mạnh.

Hình ảnh đồng chí Phan Văn Khải, ông Sáu Khải, một Chủ tịch UBND Thành phố luôn lo toan, trăn trở, tận tâm, nghiêm nghị nhưng đôn hậu, gần gũi, thân mật còn in đậm mãi trong ký ức của Đảng bộ và nhân dân TPHCM.

“Chúng ta học tập ông ở tấm lòng tận tụy với công việc, với nhân dân; ở cách suy nghĩ, cách xử lý từ những điều đơn giản, đến những vấn đề phức tạp trong cuộc sống, trong công việc. Và quan trọng nhất là khi đứng trước những gian lao, thử thách không có lúc nào ông chao đảo, không có suy nghĩ thoái lui”, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải cho biết.

Bên cạnh đó, theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, việc học tập đồng chí Phan Văn Khải còn ở tấm gương tận hiếu với dân, suốt đời vì nhân dân.

Khi đảm nhiệm những trọng trách ở TPHCM và ở Trung ương, nỗi niềm đau đáu của đồng chí Phan Văn Khải là làm sao xóa được đói, giảm được nghèo cho cuộc sống người dân. Trong suy nghĩ và hành động thực tiễn của mình, ông thấm thía lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nước độc lập mà dân không được ấm no, tự do, hạnh phúc thì độc lập ấy cũng chẳng có nghĩa lý gì.

Chính vì vậy, khi còn công tác ở TPHCM, ông đã hết lòng cùng các đồng chí trong Thành ủy, UBND Thành phố lo việc cứu đói, lo giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, lo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, gỡ khó cho doanh nhân, doanh nghiệp.

“Ông là vị Chủ tịch đầu tiên dẫn đầu đoàn công tác của thành phố đi tham quan, học hỏi cách làm ăn của một số nước trong khu vực ASEAN, nhất là Singapore, ngay từ khi chưa có quan hệ hợp tác chính thức giữa các nước trong khu vực với Việt Nam. Ông quan niệm đó là đi học, học kinh tế thị trường về để vực dậy nền kinh tế còn đang khốn khó trăm bề”, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải chia sẻ.

pham-duc-hai-3719.jpg
Đồng chí Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: QUANG PHÚC

Gắn bó với dân theo đồng chí Phan Văn Khải là để học hỏi dân. Khi làm Chủ tịch UBND TPHCM và cả sau này khi làm Thủ tướng, ông vẫn thường xuyên tiếp xúc với các doanh nghiệp, với công nhân, nông dân. “Đảng bộ và nhân dân TPHCM học tập đồng chí Phan Văn Khải ở tấm lòng và hành động tận hiếu với dân. Đó chính là học cách làm việc dựa vào dân, học tập nhân dân, học tập từ thực tiễn cuộc sống. Nói tận hiếu với dân thì không chỉ lo cho dân cái ăn, cái mặc hàng ngày, mà cao hơn thế phải lo cho dân giàu, dân có giàu nước mới mạnh. Gắn bó với dân không chỉ dựa vào dân trong lúc gian khó, mà còn phải biết học tập nhân dân, tìm tòi cái mới, cái sáng tạo của nhân dân, của phong trào quần chúng, để sửa đổi những cái gì mà chủ trương, chính sách không còn phù hợp”, đồng chí Phạm Đức Hải chia sẻ.

Người con thành phố có tư duy chiến lực, năng động, sáng tạo

Ngay từ những bước đi đầu tiên của công cuộc đổi mới, khi là người đứng đầu của chính quyền TPHCM, đồng chí Phan Văn Khải đã thể hiện một tư duy chiến lược, nắm bắt xu thế khách quan và là một trong những người đi đầu hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới tại TPHCM. Khi còn công tác ở TPHCM, ông cho rằng, nói về đổi mới thì ở TPHCM có vai trò rất đặc biệt quan trọng của đồng chí Nguyễn Văn Linh và đồng chí Võ Văn Kiệt. Nhưng theo đồng chí Phạm Đức Hải, chính đồng chí Phan Văn Khải nhờ được đào tạo rất cơ bản về quản lý kinh tế, về công tác kế hoạch đã góp phần giúp đồng chí Võ Văn Kiệt hình thành những ý tưởng về đổi mới và biến những ý tưởng đó thành những cơ chế, chính sách, quyết định, chủ trương của TPHCM.

Đồng chí Phạm Đức Hải cho biết thêm, khi đất nước bước vào sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ với đổi mới kinh tế là trung tâm cũng có nghĩa là nhiệm vụ và trách nhiệm của trung tâm ấy đặt lên vai những người làm kinh tế. Đồng chí Phan Văn Khải đã cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố “tháo gỡ” khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất “bung ra” nhằm thoát khỏi sự ràng buộc của cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, góp phần quan trọng hiện thực hóa những vấn đề về phát triển kinh tế ở TPHCM.

cac-dai-bieu-9345.jpg
Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: QUANG PHÚC

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Phan Văn Khải chỉ xin được làm việc ở những nơi gian khó, những công việc hệ trọng, điển hình là việc khi làm Chủ tịch UBND TPHCM, ông xin dẫn đoàn cán bộ của TPHCM đi nghiên cứu về kinh tế thị trường ở một số nước trong khu vực, với danh nghĩa là đoàn doanh nhân Việt Nam đi học tập kinh nghiệm. Đức tính trung thực, thẳng thắn, chí công vô tư ở đồng chí Phan Văn Khải thể hiện như một dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân là việc ông xin không tham gia Trung ương, xin thôi giữ chức Thủ tướng trước khi hết nhiệm kỳ 1 năm để Chính phủ và Quốc hội lựa chọn người khác thay thế.

Theo đồng chí Phạm Đức Hải, những người từng làm việc với đồng chí Phan Văn Khải đều cho rằng ông là một con người hội tụ nhiều giá trị tinh hoa: lòng trung thành, sự tận tâm, đức hy sinh, ý chí tiến thủ, lối sống chân thật, thanh đạm, sinh hoạt giản dị, cần kiệm, gần gũi đồng chí, anh em, bạn bè, quan tâm chăm sóc cấp dưới và gắn bó với nhân dân.

“Với đồng chí Phan Văn Khải, TPHCM không chỉ là nơi ông sinh ra, lớn lên và bước đầu tham gia hoạt động cách mạng. Đó còn là nơi ông từng trở lại công tác ở chiến khu, từng ở đây với cương vị là Phó Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch thành phố, Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND Thành phố. Đây cũng là nơi ông cùng các đồng chí lãnh đạo đi trước như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt hợp sức trong giải quyết những khó khăn chồng chất buổi đầu sau giải phóng, tạo nên một thành phố năng động, sáng tạo đi đầu trong công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội của cả nước. Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM đã sinh ra ông, nuôi dưỡng và bồi đắp cho ông những điều căn cốt trong cuộc đời", đồng chí Phạm Đức Hải khẳng định.

Tin cùng chuyên mục