Chiều 2-4, Quốc hội đã hoàn tất việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước đối với đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Sau khi thảo luận ở Đoàn về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước vào sáng 2-4, chiều 2-4, các đại biểu bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Quốc hội tặng hoa đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ cương vị người đứng đầu Nhà nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (tháng 10-2018). Đây là lần đầu tiên, người đứng đầu Đảng đồng thời đứng đầu Nhà nước. Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết đó là "tình huống" khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời; "không phải nhất thể hóa".
Trước đó, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, khi đánh giá tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, trên cương vị được cả Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, Chủ tịch nước đã cố gắng thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đồng thời đảm bảo những công tác mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân vào thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và nghị quyết của Quốc hội.
Trong suốt thời gian 1 năm cuối nhiệm kỳ, ngay cả khi công việc dồn dập, khó khăn, như thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khi thiên tai, bão lũ dồn dập ập xuống các tỉnh miền Trung… Chủ tịch nước cũng vẫn cố gắng thu xếp để đảm bảo hoàn thành trọng trách.
Cũng trong chiều 2-4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trình Quốc hội đề cử Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Đây là lần đầu tiên Quốc hội bầu một đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước. Do thực hiện quy trình bầu đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước nên theo tuần tự, ngoài việc miễn nhiệm Chủ tịch nước còn phải miễn nhiệm Thủ tướng.
Nếu miễn nhiệm Chủ tịch nước trước rồi bầu Thủ tướng làm tân Chủ tịch nước thì khi ấy, Thủ tướng sẽ phải trình Quốc hội miễn nhiệm chính mình. Vì vậy, Chủ tịch nước phải trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng, sau đó mới tiến hành các bước tiếp theo. Đây là vấn đề kỹ thuật, quy trình và đã được lưu ý để bố trí chương trình công tác nhân sự cho phù hợp. Hiện nhân sự đề cử vào chức danh Thủ tướng chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố. Tuy nhiên, theo danh sách sơ bộ người các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cho thấy, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính ứng cử khối Chính phủ.
Theo chương trình làm việc, sáng 5-4, Quốc hội sẽ bầu tân Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trong sáng 5-4, Chủ tịch nước tuyên thệ.
Ngay sau khi nhậm chức, Chủ tịch nước sẽ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ.
Chiều 5-4, Quốc hội bầu, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ; sau đó Thủ tướng Chính phủ tuyên thệ.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ Thủ tướng cho đến khi chuyển giao cho Thủ tướng kế nhiệm.